MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ bệnh viên Bạch Mai "mổ xẻ" trào lưu detox đang tràn lan: Thải độc cơ thể hay sự đánh tráo khái niệm?

13-01-2018 - 11:17 AM | Sống

Một thời gian, trào lưu detox, thải độc cơ thể được rất nhiều người quan tâm. Người ta truyền tai nhau những phương pháp thải độc cơ thể đơn giản, ai cũng làm được như uống nước, uống nước chanh, uống nước muối, thải độc gan, thận bằng dầu dừa... Thực hư tác dụng của những phương thức detox này ra sao thì chưa có nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng, nhưng nhiều bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo tác hại khôn lường cho sức khỏe.

Phương pháp detox được lan truyền tràn lan...

Bất kỳ ai cũng có thể tìm ra hàng chục phương pháp detox cơ thể bằng cách tìm kiếm trên google. Trong đó, các phương pháp thải độc để đốt mỡ giảm cân bằng cách nhịn ăn, uống nước chanh tươi, nước muối... nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. Đối tượng hào hứng nhất với các phương pháp này có lẽ chính là chị em phụ nữ với mong muốn vừa đào thải chất độc cho cơ thể vừa giảm cân.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai kể lại: "Tôi từng gặp một bệnh nhận phải vào viện cấp cứu vì bị sốc, mất nước do sản phẩm detox. Bệnh nhân mua sản phẩm thải độc cho cơ thể trên thị trường và được khuyến khích dùng đúng liệu trình. Nhưng do đường tiêu hóa nhạy cảm, chỉ sau 1 ngày sử dụng, bệnh nhân bị tiêu chảy nặng phải vào viện cấp cứu. Bệnh nhân đó đã tốn khoảng 200 triệu để điều trị và bị sút 10kg sau khi ra viện. Câu chuyện cho thấy tác hại khôn lường của việc thải độc sai cách".

Bác sĩ bệnh viên Bạch Mai mổ xẻ trào lưu detox đang tràn lan: Thải độc cơ thể hay sự đánh tráo khái niệm? - Ảnh 1.

Nhiều người tin và áp dụng phương pháp thải độc cơ thể bằng cách uống nước chanh buổi sáng.

Bản chất của việc thải độc cơ thể

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, vấn đề thải độc cơ thể đã có từ thời Hippocrates. Nó bắt nguồn từ thuyết dịch thể (Humour theory). Theo thuyết này thì có thể con người được cấu thành từ 4 chất cơ bản gọi là thể dịch: máu, mật đen, mật vàng và niêm dịch. Sự cân bằng của 4 chất này là điều kiện cơ bản để con người khỏe mạnh. Một khi thừa hay thiếu một trong 4 thứ đều gây ra bệnh tật. Nhưng đó là quan niệm cổ khi khoa học chưa phát triển. Ngày nay, nó đã không còn đúng nữa.

Việc đánh đồng giữa quan điểm y học cổ xưa và y học hiện đại đã gây ra những cách hiểu không đúng về thải độc, dẫn đến những phương pháp thải độc phản khoa học. Việc sử dụng thuốc để làm sạch được tiêu hóa, bỏ đói cơ thể, uống nước muối hay nước chanh thải độc, ăn dầu dừa... là những cách làm không tốt cho cơ thể, có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và dẫn đến những tác hại khôn lường.

Những ngộ nhận chết người

Một cơ thể khỏe mạnh là điều ai cũng mong muốn. Nhưng cứ chạy theo những phương pháp thải độc "truyền miệng", chưa được y học kiểm chứng thì thực sự bạn đang tự đẩy mình vào nguy cơ bệnh tật.

Bác sĩ bệnh viên Bạch Mai mổ xẻ trào lưu detox đang tràn lan: Thải độc cơ thể hay sự đánh tráo khái niệm? - Ảnh 2.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng.

Bác sĩ Hùng từng phân tích sâu về vấn đề này trong các bài viết được đăng trên trang cá nhân, nội dung chính là:

Nước chiếm 60-70% cơ thể một con người trưởng thành. Hàng ngày, cơ thể nếu không hoạt động gì cũng mất gần 0,5l ít qua hơi thở và mồ hôi, đi đại tiện mất 200-300ml, tiểu tiện mất 1,5 lít. Cơ thể tự sinh ra 0,2 lít do các phản ứng hoá học. Chính vì vậy cần phải cung cấp nước cho cơ thể khoảng 2 lít/ngày, nếu nhiều hơn thì sẽ thải ra qua đường đại, tiểu tiện, đó là chưa kể hoạt động thể thao. Với những người làm việc nhẹ nhàng như nhân viên văn phòng thì chỉ cần 2 lít nước/ngày là đủ.

Ruột là nơi hấp thu nước chính, mỗi ngày ruột hút đến 10 lít dịch, trong đó có 2 lít con người uống vào và 8lít dịch đường tiêu hoá tiết ra. Để ý thấy, mỗi lần khát nước, đấy là khi cơ thể đang "kêu gào" thiếu nước, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước trong vài giây đồng hồ cảm giác khát sẽ hết, đấy là nước được hấp thu vào máu và "báo hiệu" cho não biết là nước đã vào máu.

Thế nên, việc mỗi buổi sáng uống 2 lít nước pha lẫn chanh, hoa quả như mọi người lan truyền đó là cung cấp nước sinh lý cho cơ thể chứ không phải để "quét ruột". Nếu uống quá nhiều nước sẽ gây ra gánh nặng cho quả tim và hai quả thận phải làm việc thêm giờ để đưa nước thừa ra ngoài bằng tiểu tiện. Hoặc thừa quá nó sẽ kích thích đường ruột đưa ra ngoài bằng cách đại tiện. Pha mấy thứ chua chua và cay cay càng kích thích đi đại tiện nhiều hơn.

Theo bác sĩ Hùng, phương pháp detox là ép buộc tống hết mọi thứ trong đường ruột ra ngoài thì sẽ có nguy cơ gây rối loạn đường tiêu hóa vì nó cũngtống hết các vi khuẩn có lợi ra ngoài. Đồng thời có thể gây tổng thương niêm mạc đường tiêu hóa và nhiều vấn đề sức khỏe.

"Chúng ta đang dùng từ thải độc không đúng và nên xác định lại cách dùng từ thải độc. Tất cả các phương pháp mà mọi người đang tin và truyền tai nhau như tôi đã nói ở trên thực chất không phải thải độc. Đây là đang đánh tráo khái niệm. Những sản phẩm này làm tăng cường hoạt động của chức năng gan, giúp gan hoạt động tốt hơn và làm cơ thể khỏe mạnh hơn, chứ không phải là để thải chất độc ra ngoài. Cách đánh tráo khái niệm này là chiêu trò quảng cáo để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là mong muốn thải độc tăng cường sức khỏe", bác sĩ Hùng cho biết.

Phương pháp thải độc "chân chính"

Điều khiến một số người mê muội và rất thích phương pháp thải độc khi thực hiện một vài lần đầu tiên là bởi chất lượng cuộc sống của chúng ta đang ngày càng được nâng lên, chế độ ăn uống của chúng ta quá đầy đủ. Thêm vào đó, việc ăn uống thiếu khoa học khiến chúng ta cảm thấy đầy bụng, khó chịu. Vậy nên, khi thực hiện thanh lọc, thải độc bằng biện pháp uống nước chanh, nhịn ăn làm cho cơ thể tiêu bớt năng lượng còn thừa, tất nhiên họ sẽ cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.

Bác sĩ bệnh viên Bạch Mai mổ xẻ trào lưu detox đang tràn lan: Thải độc cơ thể hay sự đánh tráo khái niệm? - Ảnh 3.

Cách thải độc tốt nhất là ăn sạch, uống sạch, ở sạch…

Chính điều này làm cho nhiều người tin tưởng sau thải độc cơ thể dễ chịu, nhẹ nhàng, thoải mái hơn và tỏ ra rất thích thú. Nhưng cảm giác nhẹ nhõm này không phải là do cơ thể loại bỏ hết chất độc mà là cơ thể đã tiêu bớt các năng lượng dư thừa.

Muốn cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần một chế độ ăn uống cân bằng và sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt là vấn đề cân bằng protein, lipid và gluxit. Sau những bữa ăn quá nhiều đạm, bạn nên thay đổi thực đơn bằng những món ăn chay, rau củ để giảm lượng đạm và giúp cơ thể tiêu hao bớt năng lượng thừa. Đặc biệt, bạn cần chú ý tới vấn đề ăn uống cần cân bằng giữa protein, lipid, gluxit.

Khi mà chúng ta ăn quá nhiều đạm, tích lũy quá thừa thì có thể ngưng ăn thịt và chuyển sang ăn chay một thời gian, tức là ăn rau, củ, quả nhiều hơn, giảm lượng đạm, năng lượng đi, giúp cho cơ thể hồi phục được tốt hơn, tiêu bớt năng lượng còn thừa đi. Đó là lí do vì sao sau những bữa đại tiệc no nê, bạn thường cảm thấy nặng nề. Hôm sau, chỉ cần một bát cháo thanh đạm với rau củ hoặc nhịn một bữa là cơ thể lại cảm thấy nhẹ nhàng.

Cách thải độc chân chính là giúp cho cơ thể tiêu bớt năng lượng còn thừa đi, giúp cho cơ thể có được một khoảng thời gian yên tĩnh để tự đào thải ra những chất độc trong quá trình ăn uống. Đó là cách để cơ thể, tế bào có thể phục hồi, nghỉ ngơi hợp lý. Cách thải độc tốt nhất là ăn sạch, uống sạch, ở sạch…

Tham khảo: Bác sĩ Ngô Đức Hùng

PV

Tổng hợp

Trở lên trên