MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ "chỉ tận tay, day tận mặt" thủ phạm khiến dân văn phòng đơ đơ, vật vờ như bóng ma

23-07-2018 - 21:32 PM | Sống

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường đại học Y Dược TP.HCM, thói quen lười vận động, làm việc căng thẳng, ngồi phòng máy lạnh khiến nhiều bệnh theo đuổi dân văn phòng.

"Đơ đơ" không tìm nguyên nhân

Chị Lê Thị Hà – trú Linh Đàm, Hà Nội tâm sự, mấy năm nay chị thấy tâm trạng mình thất thường hay cáu gắt, mệt mỏi, đặc biệt là đầu óc "đơ đơ" không biết vì sao. Có những lúc chị rơi vào trạng thái "về mo" không biết mình làm việc gì. Cùng với đó là việc suy giảm trí nhớ hay quên.

Chị Hà đi khám thần kinh nhưng không có bệnh gì. Chị coi cái "bệnh đơ đơ" của mình là do sau sinh 2 con nó thế.

Trường hợp chị Vũ Quỳnh Trang – Thanh Xuân, Hà Nội cũng tương tự. Chị Trang không hiểu sao mình hay rơi vào trạng thái mơ màng làm việc không hiệu quả, đầu óc không nghĩ được điều gì. Đặc biệt là chứng "não cá vàng" có lúc còn hay quên, có hôm chị mặc quần áo ngủ đi làm đến nửa đường lại quay về nhà thay đồ, hay có lúc đi dép lê đi làm mà không biết.

Bác sĩ chỉ tận tay, day tận mặt thủ phạm khiến dân văn phòng đơ đơ, vật vờ như bóng ma - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Hoài Nam.

Chị Trang khám nhưng không biết bệnh gì. Chị Trang kể, có lúc còn cảm giác đau tức thượng vị như đau dạ dày nhưng nội soi dạ dày thì không có viêm loét gì hết. Bác sĩ chỉ nói chắc do cuộc sống căng thẳng.

Chị Trang thử so sánh với cuộc sống của mình thì đúng những lúc áp lực công việc là chị đơ đơ đầu óc. Có lúc chị đau bụng như người đau dạ dày nhưng khi nào tâm trạng thư thái thì triệu chứng mờ hết.

Không bị như chị Trang, Hà nhưng anh Đào Ngọc Quang – Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội than thở anh bị viêm mũi mãn tính cứ lên đến cơ quan là anh chỉ ngồi hắt hơi. Một lần hắt hơi cũng 7- 8 cái khiến đồng nghiệp ai cũng chú ý. Dần dần, mọi người quen thấy anh hắt hơi là họ bắt đầu đếm đúng 7, 8 cái là hết.

Anh Quang cũng kiểm tra sức khoẻ mà không ra bệnh gì. Chán nản, anh sống chung với nó mà chỉ biết có thể do viêm mũi dị ứng với một tác nhân nào đó.

Bệnh mà không bệnh

PGS Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, hầu như ngày nào ông cũng gặp một vài bệnh nhân đến khám với các triệu chứng rất mơ hồ gọi là bệnh cũng được mà gọi không bị bệnh cũng được. Những người bệnh này đều nhà nhân viên văn phòng làm việc ở các công ty, cao ốc với điều hoà, áp lực công việc, đặc biệt là những bệnh kiểu này có dấu hiệu ngày càng tăng.

Những người này có chung một triệu chứng là luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ. Khi làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng BN không có dấu hiệu gì bất thường. Với những bệnh nhân này rất khó khăn cho chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ ràng, lẫn lộn giữa bệnh này với bệnh khác.

Có những bệnh nhân đến khám vài lần với dấu hiệu mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này nhức mỏi chỗ kia, bệnh rất mơ hồ. Để điều trị chứng bệnh mà không bệnh này PGS Nam cho rằng " rất khó".

Tiếp xúc với bệnh "văn phòng" này, PGS Nam phải hỏi người bệnh rất kỹ và hầu như họ luôn chịu áp lực của công việc như nhiều đầu việc quá, sếp tin tưởng quá, nhất là phụ nữ, lại thêm công việc gia đình nên cảm giác lúc nào đầu cũng đơ đơ.

Ngoài chứng bệnh đơ đơ, PGS Nam cho biết nhân viên văn phòng còn mắc các bệnh khác như viêm xoang, viêm mũi. Nguyên nhân là do không khí văn phòng lưu cữu vì máy lạnh , không có sự thông thoáng, chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây.

Các văn phòng, công sở có hệ thống máy lạnh trung tâm hầu như không được làm vệ sinh thường xuyên, môi trường lạnh và ẩm rất dễ dàng cho việc lây lan của vi trùng và các siêu vi trùng.

Một số nhân viên văn phòng khác do ngồi nhiều, ít vận động dễ dàng bị suy tĩnh mạch, chân sưng phù, chuột rút… Hoặc bị các bệnh do sử dụng máy vi tính liên tục sẽ làm giảm thị lực, đau vai, đau cổ tay.

Ngoài ra, nhân viên văn phòng còn đối diện với các bệnh dễ lây lan như cảm cúm, viêm hô hấp, sốt vi rút, ho, đau mắt đỏ.

Để phòng bệnh cần có thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh góc làm việc. Trong khi làm việc nên dành khoảng 30 phút nên nghỉ ngơi, thư giãn hay đi lại và làm một vài động tác thể dục ngay tại nơi làm việc. Thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hay vận động nên kéo dài từ 5 - 10 phút.

Ngoài ra, để tránh các bệnh đơ đơ, mệt mỏi không rõ nguyên nhân mỗi người nên duy trì mức làm việc ở mức độ vừa phải, hợp với đồng hồ sinh học của mình, cần có kế hoạch làm việc hợp lý.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên