MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bậc trí giả nắm được thì buông được, người 50 tuổi hãy nhớ rằng, cầm lên 3 thứ thì đặt xuống 3 thứ để thành tựu cuộc sống của chính mình

20-09-2019 - 20:21 PM | Sống

Đây chính là trí tuệ mà một người bước vào ngưỡng cửa 50 tuổi cần phải hiểu thấu để sống tử tế hơn cho chính mình.

Ở tuổi trung niên, chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ của mình để quên đi những nhọc nhằn, vất vả suốt nửa đời đã qua, đặt xuống những gánh nặng cuộc sống bộn bề và áp lực tài chính để đối xử tử tế hơn với bản thân. Khi đã nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi, đã kinh qua vui buồn tan hợp, hỉ nộ ái ố trong cuộc đời, chúng ta mới có thể bình tĩnh để đối mặt với những thử thách xuất hiện.

Có được một tâm thái thích hợp, chúng ta mới có thể hiểu thấu và cảm nhận được hạnh phúc. Học được cách cầm lên thì cũng phải biết cách đặt xuống, cũng như có được thì mới có mất. Đó chính là trí tuệ mà một người bước vào độ trung niên, đi qua ngưỡng cửa 50 tuổi cần phải hiểu thấu. Đặc biệt, trong đó có ba thứ mà chúng ta phải buông xuống chính là:

1. Buông bỏ những oán hận chất chứa trong lòng

Những thương tổn đã xảy ra, những oán giận đã tích lũy cũng có thể dần dần phai nhạt theo sự ảnh hưởng của thời gian. Nếu vẫn đặt trong lòng và ôm sự giận dữ, chúng ta đang dùng sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình. Trong cuộc đời đã trải qua biết bao giây phút hạnh phúc và vui vẻ, tại sao không nhớ lấy mà lại chất chứa toàn oán hận của những người, những việc không quan trọng.

Bậc trí giả nắm được thì buông được, người 50 tuổi hãy nhớ rằng, cầm lên 3 thứ thì đặt xuống 3 thứ để thành tựu cuộc sống của chính mình - Ảnh 1.

2. Buông bỏ sự do dự, sợ hãi

Đi qua ngưỡng cửa 50 tuổi, chúng ta không còn nhiều thời gian để lãng phí vào việc chần chừ hay do dự nữa. Muốn làm gì cũng phải nhanh chóng bắt tay vào làm cho đến lúc hoàn thành, ngay khi chúng ta vẫn còn đủ sức khỏe, đủ thời gian, cũng còn đủ tiềm lực tài chính. Ở giai đoạn này của cuộc đời, chúng ta có được trưởng thành và ổn trọng hơn thời thanh niên, đồng thời cũng còn nhiều sinh lực hơn thời già nua, hãy tranh thủ thực hiện hết những mục tiêu cuối cùng của cuộc đời để không phải ôm nuối tiếc đến mãi về sau.

3. Buông bỏ sĩ diện của bản thân

Hư vinh và dối trá chính là hai kẻ thù lớn nhất trên đường đời của mỗi chúng ta. Khi đã bước vào tuổi trung niên, sự phù phiếm sĩ diện, ganh đua cao thấp với những người xung quanh đã không đem lại bất cứ giá trị thực tiễn nào cho cuộc sống. Vì thế, buông bỏ chúng kịp lúc chính là cách để chúng ta có thể nhận ra những giá trị quan trọng hơn trong hạnh phúc sau này của mình.

Vừa biết cách đặt xuống, chúng ta cũng phải biết cách nâng lên, vì thế ngoại trừ 3 điều phía trên, người 50 tuổi cũng cần chú trọng gìn giữ và đề cao ba nguyên tắc sau đây:

1. Đề cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình

Chúng ta thường nói rằng, thân thể chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất, sức khỏe chính là kho báu lớn nhất để làm nên thành công. Nửa đời trước chúng ta đã cố gắng nỗ lực hết mình vì gia đình, vì sự nghiệp, tiêu tốn rất nhiều sức khỏe và sẵn sàng tổn hại cả cơ thể cũng như tinh thần vì sự phát triển lâu dài. Vì vậy, sau tuổi năm mươi, dù sự nghiệp hay địa vị có quan trọng đến mấy thì đây cũng là giai đoạn mà sức khỏe và cơ thể cần phải được đặt lên hàng đầu. Rèn luyện hằng ngày, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, giữ thói quen ăn uống điều độ và lành mạnh chính là điều vô cùng mấu chốt để bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Bậc trí giả nắm được thì buông được, người 50 tuổi hãy nhớ rằng, cầm lên 3 thứ thì đặt xuống 3 thứ để thành tựu cuộc sống của chính mình - Ảnh 2.

2. Đề cao tinh thần bảo vệ gia đình

Dù đi ngược về xuôi, bôn ba vất vả ở bất cứ nơi đâu thì gia đình chính là bến cảng tránh gió ấm áp và an toàn nhất trong mỗi con người. Mỗi một người đàn ông là trụ cột gia đình đều gánh trên lưng trách nhiệm và nghĩa vụ để chăm sóc, gìn giữ cũng như bảo vệ mái ấm và người thân. Cho dù ở vào giai đoạn nào của cuộc đời, già hay trẻ, nhiệt huyết hay bình tĩnh, một gia đình hạnh phúc bao giờ cũng là nền tảng mà chúng ta cần trân trọng nhất.

3. Đề cao tinh thần tiến bộ

Bắt đầu từ ngưỡng 50 tuổi, để dành thời gian chăm sóc sức khỏe cũng như quan tâm nhiều hơn đến gia đình, tốc độ bước tiến phấn đấu của chúng ta có thể chậm hơn nhưng nhất quyết không bao giờ được dừng lại. Vì không tiến bộ đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thụt lùi. Do đó, dù ở bất cứ giai đoạn nào vẫn phải đề cao tinh thần nỗ lực phấn đấu, luôn hướng về phía trước. Sống đến già thì cũng có thể học đến già, để cuộc đời là sự đi lên không bao giờ ngừng bước.

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên