MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài 3: Hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội

Trong vai trò người sử dụng, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, Bộ GTVT đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu vì sao khách hàng thích Grab hay Uber và "mong muốn các doanh nghiệp vận tải phải nhìn lại bản chất, phải thay đổi chất lượng dịch vụ chứ không phải chỉ thay đổi công nghệ".

Quan trọng là đảm bảo công bằng

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, rà soát so sánh về điều kiện, quy định kinh doanh giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử, thì kết quả là có 32 điều kiện, quy định giống nhau; 9 điều kiện, quy định khác nhau nhưng tương đồng (tức là có sự khác biệt do đặc thù khác nhau của hai loại phương tiện, ví dụ: Taxi được giao dịch bằng cách vẫy, còn xe hợp đồng điện tử được giao dịch qua ứng dụng, và sự khác biệt này không gây ra bất bình đẳng); 10 điều kiện, quy định khác nhau.

Trong số 10 điều kiện, quy định khác nhau giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử, nên cân nhắc sửa đổi như sau để đảm bảo công bằng.

Đối với xe hợp đồng, nên bỏ quy định lái xe mang theo hợp đồng, danh sách hành khách theo quy định (Khoản 4 Điều 7) vì tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp, trong khi lợi ích đối với nhà quản lý chưa rõ ràng.

Quy định đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách (Điểm e Khoản 1 Điều 7) theo PGS. TS. Ngô Trí Long cũng nên bỏ do không hợp hiến (cản trở quyền tự do giao kết hợp đồng), cản trở tiến bộ xã hội và làm mất đi ích lợi trong việc giảm tắc đường, giảm ô nhiễm môi trường.

Đối với xe taxi, nên bãi bỏ 3 quy định về vận tải, gồm: Quy định về số xe tối thiểu (50 xe ở Hà Nội, TPHCM và 10 xe ở tỉnh, thành phố khác); chịu quy hoạch số lượng phương tiện tối đa; và các quy định liên quan đến trách nhiệm của lái xe (như giữ gìn vệ sinh phương tiện, cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách, hướng dẫn giúp đỡ hành khách lên, xuống xe) vì Nhà nước không cần can thiệp vào việc này, mà để các doanh nghiệp tự quản lý.

Còn theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không chỉ sửa Nghị định 86 mà còn phải sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2018 theo cách tiếp cận của các quốc gia trong khu vực và thế giới với 3 điểm cụ thể:

Thứ nhất, đề cao lợi ích của khách hàng và điều đặc biệt quan trọng là không hạn chế sự sáng tạo và hạn chế cạnh tranh. Luật Giao thông đường bộ năm 2018 để áp dụng cho 20-30 năm tới.

Thứ hai, chuyển mục tiêu chính của luật giao thông vận tải là an toàn, sang mục tiêu thứ hai quan trọng hơn là thương mại và kinh tế, coi lĩnh vực vận tải là quan trọng thúc đẩy kinh tế và sự thịnh vượng. Các quốc gia trên thế giới đều nhấn mạnh hơn đến mục tiêu kinh tế cần ưu tiên, coi đây là lĩnh vực quan trọng và thiết yếu của đời sống kinh tế có liên quan đến kinh doanh và vận tải hàng hóa, liên quan đến quyền tự chủ và đi lại ngày càng tăng của người dân.

Thứ ba, tiếp cận theo cách mới, không đặt mục tiêu xử lý các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp dịch vụ mà chuyển hướng sang đặt lợi ích người tiêu dùng làm nền tảng để thiết kế ra quy định. Tức là, quyền lựa chọn và lợi ích của khách hàng, người đi xe, người sử dụng vận tải phải được đảm bảo hài hóa và luật pháp phải đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.

"Trường hợp nước ta chưa sửa ngay Luật Giao thông đường bộ, việc sửa Nghị định 86 phải tiếp cận theo xu hướng thế giới, phải tách bạch được mục tiêu giữa an toàn, trật tự trong giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải", TS. Phan Đức Hiếu cho hay.

Doanh nghiệp cần thay đổi từ dịch vụ chứ không chỉ mỗi công nghệ

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), thành viên Ban soạn thảo dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, cho rằng, hiện các cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trong khu vực và trên thế giới đang nỗ lực quản lý làm sao để việc triển khai phát triển ứng dụng quản lý công nghệ thông tin đi kèm với kinh doanh vận tải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thực sự.

Với góc độ thị trường, ứng dụng công nghệ chỉ là cái để người ta tiếp cận thị trường đơn giản, nhanh chóng hơn. Nhưng ta phải xem vì sao Grab và Uber nhanh chóng thống lĩnh được thị trường như thế? Sau nhiều năm phát triển thị trường taxi, chúng ta hiện có trên 50.000 xe taxi trong cả nước, nhưng chỉ trong 3-4 năm, Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, dù chính tắc hay không chính tắc, đã có tới hơn 60.000 xe, bằng cả quá trình phát triển hệ thống taxi trong nhiều năm. Uber hay Grab được người dân đón nhận ngay lập tức, nguồn nhân lực cũng được huy động rất nhanh chóng.

"Với góc độ là người tiêu dùng, tôi đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là giá cả. Grab và Uber đang chấp nhận thua lỗ để tích luỹ thị trường. Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm.

Ngoài ra, Uber hay Grab xe đến rất nhanh, thường xuyên có xe ngay, đáp ứng ngay khi khách có nhu cầu. Như tôi trước đây “trung thành" với taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần xe không đến kịp, tôi bị muộn họp. Trong khi đó, nếu gọi Grab hay Uber thì họ có xe ngay", bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ còn cho biết, Bộ GTVT đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu vì sao khách hàng thích Grab hay Uber. Và với vị trí là những người làm chính sách, bà Hiền bày tỏ "mong muốn các doanh nghiệp vận tải phải nhìn lại bản chất, phải thay đổi chất lượng dịch vụ chứ không phải chỉ thay đổi công nghệ. Mỗi giai đoạn người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn, chúng ta phải tự đào thải những gì chưa phù hợp, lạc hậu chứ không chờ người khác đào thải mình".

Về cơ quan quản lý nhà nước, mong muốn lớn nhất là hài hoà tất cả lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội, các lợi ích này phải được đặt ngang bằng nhau để tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng trong khuôn khổ đều đạt được mục đích của mình, đó là bài toán khó. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực hết sức bảo vệ thị trường vận tải nội địa khi Việt Nam gia nhập WTO, hay trong các đàm phán GMS, ASEAN hay song phương.

"Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp tích tụ để cùng nhau phát triển,k điều này là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Với Nghị định 86, chúng tôi hiểu rằng, cần cơ chế quản lý minh bạch, rõ ràng hơn về quản lý thuế, phần mềm hay điều kiện kinh doanh vận tải để phát triển tốt thị trường này", bà Hiền nói.

Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

Trở lên trên