MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán khó nhất đối với các chính phủ: Bao giờ mở cửa trở lại?

Các chính phủ có thể hỗ trợ một doanh nghiệp trong vài tuần, vài tháng. Nhưng rồi 6 tháng, 9 tháng thì sao?

Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nước Pháp phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Insee - Viện thống kê Pháp cho biết, hoạt động kinh tế đã sụt giảm 35% so với mức bình thường. Hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình cũng sụt giảm tương tự.

Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng: cứ mỗi tháng đóng cửa thành phố vì bệnh dịch thì GDP hàng năm sẽ giảm 3%. Tình hình tất cả các ngành nghề sẽ đều tồi tệ một cách rõ rệt: sản lượng kinh doanh giảm 40%, sản lượng sản xuất giảm 50% và một số lĩnh vực dịch vụ đã phải đóng cửa hoàn toàn. 

Ngay cả các công ty lớn mạnh cũng có thể bị phá sản chỉ trong vài tuần bởi một cú sốc lớn như vậy. Các chính phủ đã phản ứng rất quyết liệt. Để ngăn chặn phá sản, họ đang mở rộng thanh khoản cho các doanh nghiệp tư nhân dưới hình thức bảo đảm tín dụng lớn và hoãn thuế. 

Ví dụ, Đức đang triển khai một khoản 400 tỷ EUR bảo lãnh công để đảm bảo rằng các ngân hàng của họ sẽ hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Nhìn chung, các chương trình hỗ trợ tài chính của khu vực đồng EUR cho doanh nghiệp và lao động đã lên tới 13% GDP .

Hơn nữa, các nước châu Âu đang sử dụng một cơ chế, đó là chính phủ sẽ tạm thời chịu trách nhiệm chính về việc trả lương đối với các công ty buộc phải ngừng hoặc cắt giảm sản xuất. Công nhân vẫn giữ lại hợp đồng lao động của họ và nhận một số tiền lương, còn công ty sẽ nhận được hỗ trợ của nhà nước để trang trải gần như tất cả các chi phí. 

Bài toán khó nhất đối với các chính phủ: Bao giờ mở cửa trở lại? - Ảnh 1.

Ảnh: Project Syndicate

Các chương trình này sẽ giúp cho công nhân có thể duy trì tài chính cho đến khi công ty mở cửa trở lại để kinh doanh. Những chính sách như vậy đã tồn tại để giải quyết các cuộc khủng hoảng đặc thù của ngành. 

Không có hệ thống bảo hiểm xã hội lớn, Mỹ đã tung ra một gói bảo hiểm tương tự được thông qua vào ngày 26/3 vừa qua, nhưng với cấu trúc khác. Chính phủ liên bang sẽ gửi séc cho những người có thu nhập thấp và trung bình, tăng tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ để họ có điều kiện giữ chân nhân viên, tăng thời gian bảo hiểm thất nghiệp và mở rộng các điều kiện, hỗ trợ 600 USD mỗi tuần cho những người lao động bị sa thải. Về phương diện tinh thần thì đây là một gói hỗ trợ "rất châu Âu". Tuy nhiên lại có sự khác biệt rõ rệt: số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần ở Mỹ tăng vọt với số lượng chưa từng có - từ 282.000 lên đến 3,28 triệu chỉ trong 8 ngày từ 14/3 đến ngày 21/3. 

Liệu chiến lược này có hiệu quả hay không? Rất khó để đánh giá. Dù chính phủ đã cố gắng để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động, nhưng việc tổn thất là chắc chắn. Nhiều công ty đã mất cảnh giác trước cuộc khủng hoảng, nợ nần và hiện không còn triển vọng phục hồi. 

Tiền mặt giúp họ cầm cự, nhưng nó sẽ không thể cứu họ khỏi mối đe dọa mất khả năng thanh toán. Thị trường chứng khoán sụp đổ đã làm giảm giá trị của tài sản thế chấp, khiến người vay trở nên rủi ro hơn và các nhà đầu tư có khả năng gặp nguy hiểm lớn. Các ngân hàng thì đang chồng chất nợ xấu một lần nữa.

Hơn nữa, công nhân làm việc theo yêu cầu, nhân viên thời vụ và những người mới tham gia vào thị trường lao động đều không còn nguồn thu nhập. Trong khi đó, sự bế tắc của các chương trình bảo hiểm thất nghiệp mới là một cơn ác mộng. Vì vậy, sẽ có rất nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng nhìn chung, cách tiếp cận đang được thực hiện có lẽ đã là điều tốt nhất có thể làm.

Đó có phải là một chiến lược bền vững? 

Thật dễ dàng để làm một phép tính. Giả sử rằng khu vực kinh doanh chiếm 80% nền kinh tế, khi sản lượng của nó giảm 40% và hành động của chính phủ nhằm mục đích bù đắp 80% tổn thất thu nhập tương ứng, thì hỗ trợ ngân sách phải lên tới 0,8x0,4x0,8 = 25 % sản lượng trước khủng hoảng, tương đương hơn 2% GDP hàng năm mỗi tháng. 3 tháng đóng cửa hoàn toàn hoặc đóng cửa một phần, mà sau đó chỉ là sự phục hồi dần dần, có thể làm thâm hụt thêm khoảng 10 điểm phần trăm GDP vào ngân sách.

Đó là một con số rất lớn, nhưng trong điều kiện hiện tại, các chính phủ rất có thể sẽ lún sâu vào nợ nần. Lãi suất đã ở mức thấp lịch sử trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, vì những lý do chủ yếu mang tính cấu trúc và do đó sẽ vẫn còn tiếp tục. 

Hơn nữa, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang là hàng rào chắn bảo vệ chính phủ của họ khỏi các cuộc khủng hoảng nợ nần. Trong những điều kiện như vậy, thâm hụt ngân sách lớn vẫn có thể được chấp nhận, ít nhất là trong ngắn hạn.

Song, tính bền vững kinh tế của chiến lược này còn nhiều nghi vấn.

Hỗ trợ một doanh nghiệp duy trì trong một vài tuần là rất đáng, bởi vì để họ phá sản sẽ là một mất mát lớn không chỉ cho các cổ đông và công nhân, mà còn cho cả xã hội nói chung. Vốn con người, bí quyết, mô hình kinh doanh của công ty sẽ bị mất vĩnh viễn. Vì vậy, các chính phủ đã làm đúng. 

Nhưng liệu có thể hỗ trợ họ 6 tháng? Hay 9 tháng? Một công ty không hoạt động quá lâu sẽ khó có khả năng trả những khoản nợ nần, và nó có thể mất giá trị kinh tế. Phải thừa nhận rằng chiến lược hỗ trợ sẽ hiệu quả nếu khủng hoảng xảy chỉ ra trong thời gian tương đối ngắn. 

Vấn đề khó khăn nhất đối với các chính phủ có lẽ là quyết định: bao giờ mở cửa trở lại? Nguồn cung có thể vẫn bị hạn chế trong một vài tháng, trong khi nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ có thể gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên cũng rất khó để dự đoán liệu tổng cầu sẽ tăng cao (do tiết kiệm tích lũy và tiêu dùng bị kìm nén) hay xuống thấp (vì sợ hãi, tổn thất tài chính, nợ nần). Quản lý nền kinh tế sẽ là một bài toán rất khó. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải hành động theo một câu thành ngữ Trung Quốc: "Dò đá qua sông".

Bài toán khó nhất đối với các chính phủ: Bao giờ mở cửa trở lại? - Ảnh 3.

Cát Tiên

Project Syndicate

Trở lên trên