MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán khóa điện tử ở Việt Nam như bán giày ở châu Phi

22-06-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Bán giày cho người dân châu Phi rất khó vì họ thường đi chân không. Ngược lại, có người xem đó là thị trường đầy tiềm năng. Đây cũng là thực tế của chuyện kinh doanh khóa điện tử tại Việt Nam. Theo doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh, lĩnh vực này đang “nóng” không kém sự tăng trưởng của mảng thực phẩm tiêu dùng nhưng không dễ ăn chút nào.

Doanh nghiệp Việt đang bỏ quên thị trường khóa điện tử, để các doanh nghiệp nước ngoài thống trị. Trong nước chỉ có khóa Việt Tiệp tham gia, nhưng sản phẩm khóa điện tử cũng chưa nhiều. Nhiều nhất hiện nay là các sản phẩm khóa điện tử Hàn Quốc như Gateman, Epic, Samsung… Ngoài ra còn có Thụy Sĩ (Kaba), Đức (Kaadas), Mỹ (Yale), Úc (PHGLock).

Nhiều nước trên thế giới tham gia vào thị trường này chủ yếu “ăn theo” sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam năm 2015 là 35% và khoảng 37% năm 2016. Đô thị hóa đi kèm với hình ảnh những căn nhà mới được xây dựng, vốn là thị trường béo bở cho các nhà sản xuất khóa điện tử.

Để ước lượng thị trường, nhà đầu tư thường nhìn vào các con số cụ thể của thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở. Theo tính toán của ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh – đơn vị phân phối duy nhất khóa điện tử PHGLock, hiện chỉ riêng TP.HCM đã có trên 2 triệu căn nhà chưa dùng khóa điện tử. Nếu mỗi nhà dùng một khóa điện tử giá thấp nhất 2 triệu đồng, thì tiềm năng thị trường này đã ở mức 4.000 tỉ đồng.

Nếu tính trên cả nước thì quy mô thị trường không dưới 10.000 tỉ đồng. Thực tế con số này có thể cao hơn nhiều lần. Bởi mỗi nhà thường dùng từ 2-5 khóa, và 2 triệu là mức thấp nhất. Nếu tính cả phân khúc khách sạn, văn phòng cho thuê… sẽ thấy tiềm năng thị trường này rất lớn.

Tuy nhìn thấy tiềm năng này, nhưng các nhà sản xuất khóa điện tử cũng chưa dám mạnh dạn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Hầu hết đều thăm dò thị trường qua các nhà phân phối. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá giữa các nhà phân phối để đạt mục tiêu doanh số.

Theo ông Hoàng Tuấn Anh (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh, hiện TP.HCM có trên 2 triệu căn nhà chưa dùng khóa điện tử.

Đa số mặt hàng này được bán cho các dự án mới xây dựng, khiến thông tin về sản phẩm cũng như thị trường khó được nhìn nhận và đánh giá chính xác. Mặt khác, người dân vẫn giữ thói quen dùng khóa cơ khiến việc mở rộng thị trường không hề dễ dàng chút nào. Ông Tuấn Anh ví von, điều này cũng tương tự việc mang giày sang châu Phi bán trong khi người dân chưa có thói quen mang giày.

Vũ Trụ Xanh cũng ưu tiên tiếp cận các dự án nhà ở mới xây dựng trước. Với kênh dự án, Vũ Trụ Xanh hiện chiếm thị phần thứ 3 tại TP.HCM, theo số liệu công ty. “Chúng tôi định hướng phát triển lâu dài nên không chạy đua doanh số để lấy hợp đồng bằng được”, lãnh đạo Công ty Vũ Trụ Xanh chia sẻ về hướng đi riêng. Hợp tác gần nhất của Công ty là tại dự án Khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh (quận 2, TP.HCM).

Ngoài kênh dự án, Vũ Trụ Xanh âm thầm đầu tư hàng chục tỉ đồng cho kênh bán lẻ trong hơn 7 năm qua. Hiện Công ty đã có hơn 300 đại lý và điểm bán trên khắp cả nước, đứng đầu kênh bán lẻ trong số các đơn vị kinh doanh khóa điện tử tại Việt Nam, lớn hơn cả Việt Tiệp với 223 đại lý và điểm bán.

Vũ Trụ Xanh có hơn 300 đại lý và điểm bán trên khắp cả nước, đứng đầu kênh bán lẻ trong số các đơn vị kinh doanh khóa điện tử tại Việt Nam.

Phát triển hệ thống bán lẻ của Vũ Trụ Xanh có vẻ nghịch lý. Vì khi phân phối sản phẩm nước ngoài, ít ai đầu tư tiền túi phát triển các đại lý “dùm” cho nhà sản xuất. “Không ít người nói tôi khùng vì làm lợi cho nhà sản xuất. Bởi nếu có rắc rối trong khâu hợp tác, công sức mình đổ sông đổ biển mà nhà sản xuất tự dưng có sẵn thị trường”, anh kể.

Tuy nhiên, Hoàng Tuấn Anh lí giải, để cạnh tranh được trong dài hạn, nhất định phải xây dựng mạng lưới bán lẻ. Đây là bước chuẩn bị cho xu hướng chuyển từ khóa cơ sang khóa điện tử đang phát triển như những con sóng ngầm mạnh mẽ.

Hiện tại, mức thấp nhất mà công ty bán ra mỗi năm là 50.000 sản phẩm, giá thấp nhất là 2 triệu và cao nhất gần 40 triệu đồng mỗi sản phẩm, tương đương doanh thu ít nhất 100 tỉ đồng mỗi năm.

Giai đoạn 2010-2015, doanh thu công ty chỉ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, việc đầu tư vào hệ thống bán lẻ đã giúp doanh số hàng năm của công ty tăng gấp đôi.

Hoàng Tuấn Anh cũng là chủ dự án Rubik Zoo – tổ hợp mua sắm, ẩm thực và giải trí được xây dựng bằng container trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, mở cửa hồi cuối năm 2016. Anh cho biết đang triển khai xây dựng hệ thống khách sạn, nhà trọ giá rẻ bằng container cũ tại các khu vực trung tâm TP.HCM cho 5 năm tới.

 

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên