MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán nợ xấu theo giá thị trường: Ai mua, ai định giá để không bị trục lợi?

26-05-2017 - 14:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Thảo luận tại tổ về vấn đề xử lý nợ xấu chiều nay ngày 26/5 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh nhất trí việc ban hành Nghị quyết để xử lý nợ xấu nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn.

Băn khoăn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn Tp. Hồ Chí Minh cho rằng việc ra Nghị quyết để xử lý nợ xấu là cần thiết, nhưng tính khả thi không cao.

Thứ hai, có những mâu thuẫn trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết này, có xung đột. Thứ ba là, không sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu, nếu nghị quyết bổ sung nội dung này thì các nội dung khác sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.

Về tính khả thi, đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần làm rõ những khoản nợ rõ ràng, vì sao chúng ta đã có VAMC để giải quyết nợ xấu, qua một thời gian tồn đọng với 4 lý do mà Chính phủ đưa ra đều là vướng quy định về pháp luật, như vậy tại sao không ra luật hỗ trợ mà lại phải xây dựng Nghị định mới?

Đại biểu cũng băn khoăn tài sản thế chấp: khả năng thu hồi nợ qua tài sản thế chấp còn không, còn bao nhiêu, có chứng minh được là có khả năng thu hồi được không? Các ngân hàng họ cho vay, có thế chấp, có quy định pháp luật bảo vệ trong việc cho vay nhưng vì sao họ không thu hồi nợ được? Vẫn có hành lang pháp lý để bảo vệ quyền hợp pháp của họ mà sao lại không thu hồi được?

Và đại biểu khẳng định, nếu nói rằng có hành lang pháp lý bảo vệ thì họ thu hồi được. Như thế chúng ta cần phải làm rõ chỗ hành lang này để việc xử lý nợ xấu thực sự có hiệu quả.

Về đề xuất của Ủy ban kinh tế là bổ sung nguyên tắc không dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Đại biểu cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu.

Về quy định trách nhiệm, “Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. Tôi đề xuất bổ sung thêm chữ “xử lý nghiêm minh, đúng quy định những cá nhân, tổ chức”, và vấn đề này phải đưa vào nguyên tắc xử lý nợ xấu để Quốc hội giám sát trong suốt thời gian Nghị quyết có hiệu lực”.

Đại biểu Tâm cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan liên quan làm rõ việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường là thế nào, có làm được theo giá thị trường không, có ai mua ai bán không, hay chỉ có tổ chức đó bán thôi, ai là người định giá, ai đấu giá, đấu giá có bị thao túng và làm giá hay không?

“Tôi rất lo rằng mình ra nghị quyết với mục đích tốt nhưng sẽ bị lợi dụng, làm méo mó tinh thần nghị quyết, nó lại đem lại lợi ích cục bộ cho một nhóm nào đó”. Đại biểu lo lắng rằng nguyên tắc này có thể bị trục lợi, lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm.

Đại biểu cũng đồng ý với Ủy ban kinh tế Quốc hội rằng không miễn phí và lệ phí trong việc chuyển nhượng các tài sản, vì phí và lệ phí chính là ngân sách của Quốc gia.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên