MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bancassurrance khiến các ngân hàng giàu sụ

11-01-2021 - 07:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Bancassurrance khiến các ngân hàng giàu sụ

Những cú bắt tay bán bảo hiểm độc quyền (bancassurrance) trên thị trường, đã khiến nhiều ông lớn ngân hàng đã giàu còn có của ăn của để, giàu hơn.

Hợp đồng độc quyền 16 năm để phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) của Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) theo ước tính của SSI Reseach, sẽ mang về mức phí thỏa thuận khoảng 350 triệu USD cho VietinBank.

Bancassurrance khiến các ngân hàng giàu sụ - Ảnh 1.

VietinBank là ngân hàng vừa có cú bắt tay cùng Manulife trị giá lớn để phân phối bancassurrance vào cuối 2020

Đồng thời, nhóm phân tích ước tính thu nhập từ bancassurance của ngân hàng sẽ tăng 30% - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

VietinBank là ngân hàng lớn của Việt Nam đang phục vụ 14 triệu khách hàng thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong nửa đầu năm 2020, VietinBank đứng đầu về doanh số phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng trong số các ngân hàng quốc doanh tại Việt Nam, theo công bố của ngân hàng. Với big data lớn và hệ thống mạng lưới rộng, việc Manulife Việt Nam thông qua VietinBank bán chéo sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng VietinBank được dự phóng mang đến hiệu quả khả quan cho cả hai bên.

Hợp tác này chỉ mới được diễn ra vào giữa tháng 12/2020. Và thông thường tùy theo thỏa thuận giữa các bên mà việc thương thảo sẽ bắt đầu với phía sở hữu hệ thống phân phối bancassurance được nhận một lần khoản phí độc quyền. Tuy nhiên việc hạch toán khoản phí này cũng không hẳn ghi nhận ngay mà có thể tùy thuộc trên hiệu quả hoạt động hợp tác giữa các bên. Điều đó có nghĩa khoản phí độc quyền khủng mà VietinBank thu được theo SSI Reseach, hoặc theo một dự báo đồng giá trị đạt hàng trăm triệu USD của Bloomberg trước đó, sẽ khó có thể hạch toán một lần ngay trong 2020. Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lên 20,1% của ngân hàng trong năm qua như vậy khó bao gồm khoản này và các khoản "để dành, ăn dè" này sẽ được hạch toán trong các kỳ kế toán kế tiếp.

Trước VietinBank, Vietcombank cũng đã thu lợi khủng từ hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bancassurance với FWD. Giá trị của hợp đồng không được tiết lộ tuy nhiên theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, đạt giá trị cao nhất trong lịch sử ngân hàng, bảo hiểm Việt Nam. Và sở dĩ giá trị đạt cao như vậy là một phần nhờ... COVID-19.

Bancassurrance khiến các ngân hàng giàu sụ - Ảnh 2.

Ngân hàng đang dần trở thành kênh phân phối bảo hiểm chính trên thị trường

Ông Dũng cũng cho biết bên cạnh phí độc quyền bancassurance, ngân hàng sẽ được nhận thêm phần phí hoa hồng trong quá trình hợp tác bán bảo hiểm với FWD. Đóng góp từ khoản thu này sẽ đẩy thu nhập ngoài lãi của Vietcombank tăng thêm 2% mỗi năm. Ông Dũng dự phóng lợi ích của hợp tác bảo hiểm có thể đạt hơn 10.000 tỷ đồng trong 15 năm. Một ước tính độc lập dự đoán khoản thu phí độc quyền của Vietcombank - FWD có thể từ mức 400 triệu USD. Theo thông tin, FWD đã trả giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, bao gồm Prudential và một số đơn vị không được tiết lộ do vấn đề bảo mật. Và trên thực tế như trong một phần của thỏa thuận, FWD đã mua công ty bảo hiểm Vietcombank Cardif, thuộc sở hữu của Vietcombank và BNP Paribas SA. Đây là thương vụ được đánh giá là khôn ngoan và hay ho cho FWD để họ thuận tay nối dài phân phối bảo hiểm, khai thác tối đa dữ liệu lớn và hệ thống phủ rộng của Vietcombank, bao gồm cả các khách hàng bảo hiểm hiện hữu của Vietcombank Cardif.

Gần đây, ACB cũng đã ghi tên vào danh sách các nhà băng đã giàu còn giàu hơn nhờ phí độc quyền bancassurance. Hợp tác ACB và công ty bảo hiểm Sunlife theo hợp đồng có mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD tương đương 8.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức phí Upfront các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Mức phí trả trước cao mà ACB có được là nhờ các lý do ACB là ngân hàng đứng thứ 6 trong doanh số bán bảo hiểm trên thị trường năm 2019, và đã vươn lên thứ 3 trong 6 tháng 2020.

Như vậy, khoản phí độc quyền cùng các dự phóng lợi ích bảo hiểm tương lai trên phí hoa hồng/ năm dự kiến đã khiến các ngân hàng ngày càng quan tâm hơn đến việc bắt tay vào hợp tác độc quyền cùng những đối tác bảo hiểm danh tiếng. Một số ngân hàng chưa có nhà hợp tác độc quyền nhưng sở hữu big data lớn, tệp khách hàng dày, hệ sinh thái rộng, có chiến lược mở rộng chào đón đối tác bán bancassurance, theo đó, cũng đang được dự báo sẽ là những "nhà giàu đột biến" nhờ lợi ích đặc biệt này trong năm nay lẫn thời gian tới.

Theo Lê Mỹ

DIễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên