MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bánh trung thu: Vì sao còn hạn nhưng mốc, hết hạn vẫn tươi nguyên?

12-09-2019 - 11:00 AM | Sống

Trao tặng và thưởng thức bánh trung thu là những phong tục đẹp của mỗi mùa trăng vàng. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng của món bánh truyền thống vốn đã quá đỗi thân quen này.

Bánh trung thu mốc, hỏng khi còn hạn sử dụng?

Đến hẹn lại lên, hầu như mùa trăng nào cũng xuất hiện một số "tin nóng" về an toàn thực phẩm được cộng đồng chia sẻ và lan truyền như: bánh trung thu vừa mua về vài ngày đã xuất hiện nấm mốc, hư hỏng; trong khi có những chiếc bánh vô tình bị bỏ quên, quá hạn sử dụng từ rất lâu mà vẫn còn mới nguyên… Bên cạnh đó là thông tin về những "phi vụ" tung bánh cũ từ năm ngoái vào thị trường, nguyên liệu làm bánh nhập lậu, chứa chất bảo quản cấm… Chính vậy, không ít người tiêu dùng tỏ ra hoang mang và e dè khi chọn mua bánh để biếu tặng, thưởng thức…

Trao đổi về tình trạng mốc hỏng của bánh trung thu, TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam cho biết: "Có thể rất oan nếu chúng ta quy tội cho bánh trung thu khi thấy bánh còn hạn mà lại bị mốc. Các loại bánh sản xuất theo dây chuyền hiện đại thường được bảo quản trong bao bì kín và có gói hút oxy nhằm đảm bảo điều kiện yếm khí để ngăn nấm mốc phát triển. Do đó, nếu bao bì bị rách hoặc rò rỉ, không đảm bảo được môi trường yếm khí thì bánh vẫn mốc dù còn hạn sử dụng. Và ngược lại, do bao bì còn nguyên và gói hút oxy có đủ khả năng để giữ môi trường yếm khí, bánh hết hạn vẫn không bị mốc, nhìn bên ngoài màu sắc bánh vẫn còn tươi mới. Tuy nhiên bánh lúc này đã bị lão hóa và bánh không còn đảm bảo về chất lượng, người tiêu dùng không nên dùng những sản phẩn đã hết hạn sử dụng."

Cũng theo TS Từ Ngữ, bánh trung thu đặc biệt dễ bị oxy hóa vì chứa nhiều loại chất béo và hàng chục loại nguyên liệu khác nhau. Do vậy các gói hút oxy chuyên dụng đi kèm đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì độ tươi ngon và chất lượng của bánh. Các gói này cũng hoàn toàn an toàn trong trường hợp vô tình tiếp xúc với bất kỳ loại thực phẩm, dược phẩm nào.

Với muôn vàn lựa chọn bánh trung thu ngoài thị trường, người tiêu dùng cần lưu ý về bao bì cũng như gói hút oxy của bánh để có thể lựa chọn sản phẩm "đúng chuẩn" trong mùa trung thu, từ đó tránh các rủi ro ngoài ý muốn và đảm bảo cho sức khỏe.

Những lưu ý khi chọn mua bánh trung thu

Thị trường bánh trung thu năm nay đã khởi đầu vô cùng nhộn nhịp với đa dạng các dòng sản phẩm: từ bánh của thương hiệu lớn đến bánh nhập khẩu, bánh handmade, từ bánh truyền thống đến bánh theo khẩu vị hiện đại… Theo TS Từ Ngữ, người tiêu dùng cần có sự cẩn trọng nhất định để chọn được những sản phẩm bánh trung thu ngon và an toàn, mang lại một mùa trăng vàng ấm áp, đoàn viên đúng nghĩa.

Bánh trung thu được phối trộn từ rất nhiều nguyên liệu như bột, trứng, các sản phẩm từ thịt như mỡ, lạp xưởng, các loại mứt và hạt… Do vẫn còn rất khó kiểm soát nguồn gốc cũng như mức độ an toàn của những thành phần này, người mua hàng nên chọn các thương hiệu uy tín, đáng tin cậy, bánh được chứng nhận bởi các cơ quan chức năng.

Bánh khi mua phải được đóng gói cẩn thận, bọc kín kèm gói hút oxy và không có màu sắc khác thường. Phần bao bì ni lông không bị rách hay nhàu nát để đảm bảo giữ được môi trường yếm khí và hạn chế nấm mốc, vi khuẩn. Quy chuẩn đóng gói này được kiểm soát tốt ở các thương hiệu lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại.

Đồng thời, thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, nguyên liệu thành phần in trên bao bì phải rõ ràng, minh bạch. Thông thường, bánh trung thu có hạn sử dụng dao động từ 50 – 75 ngày tùy theo nhà sản xuất. Nếu mua bánh handmade, các phải đặc biệt lưu ý hạn sử dụng vì bánh thường không được đóng gói theo quy chuẩn, không có gói oxy hoặc gói oxy chưa được quản lý chất lượng. Nếu chưa sử dụng ngay, bánh mua về cần được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Những lưu ý đơn giản này sẽ giúp bạn chọn được sản phẩm bánh trung thu chất lượng, an toàn, yên tâm khi thưởng thức và biếu tặng. Hãy là người tiêu dùng thông minh để mùa Trung Thu năm nay được trọn vẹn đầm ấm và như ý.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên