MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động bảo tồn nhà cổ sau vụ cháy tại số 65 Nguyễn Thái Học

25-10-2016 - 11:56 AM | Bất động sản

Liên quan đến vụ cháy biệt thự cổ tại số 65 Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên, quận Ba Đình) trưa 23/10 - nơi sinh sống của gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân và rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, câu chuyện về bảo tồn các biệt thự cổ, di sản văn hóa lại được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đặt ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, căn biệt thự cổ gần 100 năm tuổi tại số 65 Nguyễn Thái Học mà gia đình nghệ sĩ Chiều Xuân đang ở tầng 2 được xây dựng theo kiến trúc Pháp với kết cấu 3 tầng. Đây từng là trụ sở của Hội Mỹ thuật Việt Nam . Sau đó, rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã được bố trí ở đây như: Họa sĩ Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận..., và đây được coi là ngôi nhà của các danh nhân. Hiện tại, có khoảng gần 100 nhân khẩu của gần 20 hộ gia đình đang sống tại ngôi biệt thự cổ này.

Trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Hoàng Thị Yến (70 tuổi, sống tại tầng 2 căn biệt thự cổ) chia sẻ, cách đây khoảng 5 năm, cửa hàng tại tầng 1 sửa chữa, đập một số bức tường chịu lực để tiện việc kinh doanh. Trong khi đây là biệt thự được xây dựng theo kiến trúc Pháp, móng nhà không tốt, đã ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà. Các hộ dân đã trao đổi với hộ kinh doanh ở tầng 1, đồng thời có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng không được xử lý. Phường chỉ xử lý việc để vật liệu bừa bãi, mà không xử lý về việc thay đổi, phá vỡ kết cấu tòa nhà.

Do đó, nhiều năm nay, các hộ dân trong căn biệt thự này sống trong nỗi lo sợ nguy cơ cháy nổ, sập nhà do sự lấn chiếm, đập phá tường chịu lực, đấu nối điện không an toàn, chiếm dụng khu vực đường đi, không gian chung tại tầng 1. Kể từ khi xảy ra vụ sập ngôi biệt thự cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo cách đây hơn một năm, các hộ ở đây càng thêm lo lắng.

KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, về giá trị kiến trúc, văn hóa, biệt thự cổ tại số 65 Nguyễn Thái Học là ngôi nhà rất đẹp, giá trị cao, có đặc trưng tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Đây cũng là lựa chọn của ngành văn hóa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, là không gian có nhiều kỷ niệm của các họa sĩ nổi tiếng. Còn về giá trị sử dụng, căn biệt thự là một kiệt tác, để làm công trình ở lại vô cùng mâu thuẫn. Bởi công trình ở chỉ nên dành cho số ít người trong một gia đình, trong khi hiện có đến gần 100 nhân khẩu đang ở đây.

Việc sử dụng tùy tiện biệt thự cổ như thế rất khó để bảo tồn văn hóa, bởi có những hộ mong muốn bảo tồn, nhưng cũng có những hộ vì đòi hỏi mưu sinh, đã tiếp tay hủy hoại khi phá đi kiến trúc tầng 1 để làm cửa hàng. Việc đối xử với những căn biệt thự cổ như thế này, rất khó để đi đến thống nhất, bởi người bảo vệ văn hóa, kiến trúc thì lo lắng, nhưng có những người sống ở đó chỉ đơn thuần cần một chỗ để ở. Để bảo tồn, giữ gìn văn hóa và kiến trúc ngôi nhà, chỉ có cách là di chuyển các hộ dân sang nơi ở khác.

Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, người chủ sở hữu ngôi nhà phải có trách nhiệm giữ gìn tài sản của mình. Nếu đây là ngôi nhà có nhiều hộ đồng sở hữu, phải có sự bàn bạc, phối hợp, có thể chế, tổ chức. Ngay cả khi tất cả các hộ dân đồng ý bảo tồn, đó mới chỉ là nguyện vọng, nhưng năng lực không đảm đương được. Trong trường hợp tài sản có giá trị di sản, sẽ được chính quyền, cơ quan chức năng giúp đỡ để bảo tồn.

“Theo tôi, nếu Nhà nước, chính quyền thấy căn biệt thự cổ có giá trị di sản cần giữ lại, có thể mua lại. Đây là biệt thự cổ thì có thể cho thuê để ở, làm nhà công vụ và Nhà nước có trách nhiệm bảo tồn. Nhà nước có thể mua lại ngôi nhà theo giá thị trường và bồi thường, GPMB đối với các hộ dân” – ông Liêm đề xuất.

Theo Hồng Thái - Đông Phong

Kinh tế & Đô thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên