MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động 'chảy máu' lao động nông thôn

Kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 cho thấy, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang quá lớn khiến các vùng nông thôn đối mặt nhiều khó khăn. Với thực tế phần lớn lao động có sức khỏe, tri thức đã chuyển sang sống ở thành phố, nông thôn đang bị “chảy máu”, thiếu lao động trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê) cho biết, có tới 13,6% dân số cả nước là người di cư ở độ tuổi từ 15 đến 59. Gần 80% người di cư xuất thân từ nông thôn. Điều này góp phần quan trọng trong đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng ở thành thị. Do các điều kiện về tự nhiên, công việc, vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long là những nơi có lượng người di cư lớn nhất cả nước. Phần lớn họ ra thành phố để kiếm việc làm.

Hệ quả

Theo kết quả điều tra, người di cư chủ yếu làm các nghề như thợ vận hành, lắp ráp thiết bị; thợ thủ công, các vị trí chuyên môn bậc trung; lao động phổ thông… “Về trình độ chuyên môn kỹ thuật và tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học của nhóm người di cư cao gần gấp đôi người không di cư. Học sinh, sinh viên từ nông thôn ra thành thị học rất ít trở về, mà ở lại làm việc luôn”, báo cáo cho biết.

“Di cư của chúng ta mang tính tự phát, không kiểm soát nên gây ra hệ luỵ. Tôi cho rằng, chúng ta cần có phương thức để định hướng, dẫn dắt, điều chỉnh quá trình di cư, luồng di cư bằng các quy hoạch đô thị hoá, quy hoạch khu công nghiệp phù hợp”.

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Đại diện nhóm điều tra cho biết, số lao động có trình độ đang dịch chuyển dần từ nông thôn ra thành phố. Di cư mang lại nhiều lợi ích cho gia đình người di cư (như có tiền gửi về quê, thu nhập tốt hơn), nhưng cũng khiến người ở lại nông thôn gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu lao động khiến người già, trẻ em phải làm việc nặng nhọc khi mùa vụ đến; học hành của con cái thiếu sự quản lý của cha mẹ. Gánh nặng công việc đồng áng đè nặng lên vai phụ nữ khi chồng di cư.

“Nhiều trẻ em phải sống với ông bà. Điều này rất đáng lo ngại, vì các em dễ vướng phải tệ nạn xã hội…”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), di cư tác động mạnh tới tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Dòng di cư xuất phát từ sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, nhu cầu công việc.

Giải pháp

Cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin để xây dựng chính sách kinh tế xã hội và chính sách hỗ trợ cho người di cư nghèo. Tổng cục Thống kê đánh giá, bên cạnh cơ hội công việc tốt hơn, người di cư gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất và vấn đề nhà ở. Hơn một nửa số người di cư phải thuê phòng trọ. Thậm chí, gần 20% người di cư phải ở trong nhà nhỏ (dưới 6m2/người), nhất là tại các khu trọ của công nhân ở khu công nghiệp, khu trọ sinh viên. Ngoài ra, người di cư phải chịu nhiều khó khăn: đối diện ô nhiễm không khí, nguồn nước cao hơn người không di cư.

“Khó khăn về nhà ở cho thấy, việc quy hoạch phát triển vùng cần tính tới các luồng di cư”, báo cáo của điều tra nêu rõ.

Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, di cư là yếu tố tất yếu, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta phải đón nhận và giải quyết các tồn tại một cách tốt nhất. “Di cư của chúng ta mang tính tự phát, không kiểm soát nên gây ra hệ luỵ. Tôi cho rằng, chúng ta cần có phương thức để định hướng, dẫn dắt, chiều chỉnh quá trình di cư, luồng di cư bằng các quy hoạch đô thị hóa, quy hoạch khu công nghiệp phù hợp”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Từ kết quả điều tra, Tổng cục Thống kê đề xuất chính sách, quy hoạch phát triển của các vùng cần tính đến yếu tố di cư để có thể tranh thủ đóng góp tốt nhất của người di cư tại địa phương tiếp nhận.

Hơn nữa, để hạn chế khó khăn của nông thôn từ tình trạng di cư, tác giả nhóm điều tra khuyến cáo: Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phát triển bền vững nông thôn, cải thiện môi trường sống, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nông dân. Đặc biệt, hộ gia đình nghèo cần được hỗ trợ vay vốn để thay đổi nghề, miễn phí khoá đào tạo nghề…

“Các chính sách cần nhắm vào mục tiêu giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giảm bớt sức ép về môi trường ở thành thị… Để người di cư có điều kiện nhập hộ khẩu cho con em học tập, nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục về đăng lý nhân khẩu”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên