MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Tây: Một bộ phận lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị đánh đập, lạm dụng và đối xử bất công

Hy vọng sẽ có một công việc được trả lương cao ở Nhật, rất nhiều thanh niên Việt Nam đang gánh trên vai những món nợ khổng lồ.

"Lao động từ Trung Quốc đến Nhật đang giảm vì tiền lương của họ đã trở nên cao hơn. Trong khi ở Việt Nam, ngay cả thanh niên có trình độ học vấn cao cũng vẫn thất nhiệp. Vì vậy, nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc", Futaba Ishizuka, một nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển cho biết.

Hệ thống thực tập sinh công nghệ bắt đầu vào năm 1993, với mục đích chuyển giao kỹ năng cho công nhân từ các nước đang phát triển. "Nhưng chương trình này sớm bị lạm dụng", các chuyên gia nói. 

Báo Tây: Một bộ phận lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị đánh đập, lạm dụng và đối xử bất công - Ảnh 1.

Các báo cáo cho thấy một số công ty ở Nhật Bản trả lương thấp, bắt họ làm việc quá nhiều giờ, đánh đập và thậm chí có cả trường hợp quấy rối tình dục.

Trong số các vụ bê bối lớn nhất, có bốn công ty sử dụng thực tập sinh để khử nhiễm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima tháng 3 năm 2011. Hai công ty, cũng bị cáo buộc trả lương quá thấp. Họ đã bị cấm sử dụng thực tập sinh trong 5 năm. Một vài công ty khác đã bị Bộ Tư pháp cảnh cáo.

Một khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy: hơn 66% công ty và 70% người sử dụng lao động đã vi phạm các quy tắc, với việc bắt người lao động làm việc quá giờ cũng như không đảm bảo được các vấn đề an toàn lao động. Tổ chức đào tạo thực tập kỹ thuật (OTIT) là một nhóm giám sát được thành lập vào năm 2017. Trong tháng này, họ đã đưa ra lời nhắc nhở cho các nhà tuyển dụng: các thực tập sinh được bảo vệ bởi Luật Lao động Nhật Bản. Họ đặc biệt cấm hành vi đối xử bất công với người lao động đang mang thai.

Bố mẹ Dung đã đi vay 10.000 USD để người ta đưa cô sang Nhật làm thực tập sinh công nghệ. Nhưng cô gái trẻ đã lỡ mang thai khi đang trong quá trình đào tạo ở Nhật Bản. Cô chỉ có  hai sự lựa chọn: hoặc là phá thai, hoặc là quay về Việt Nam. Mà nếu cô về Việt Nam, thì không có cách nào để trả khoản nợ khổng lồ kia cả.

"Cô ta phải ở lại mà trả nợ thôi", Shiro Sasaki, Tổng thư ký Công đoàn Zentoitsu (All United) - nơi Dung làm việc đã nói.

Các điều kiện khắc nghiệt đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017. Các chuyên gia cho biết, nhiều người bị dụ dỗ bởi các nhà môi giới mờ ám. Những nhà môi giới này hứa hẹn sẽ cung cấp cho họ giấy tờ giả và một công việc với mức lương cao hơn. Gần một nửa những thực tập sinh bị lừa là từ Việt Nam. Bởi vì các họ không được phép chuyển đổi từ tình trạng thực tập sinh sang lao động, họ sẽ mất tình trạng thị thực hợp pháp. 

Báo Tây: Một bộ phận lao động Việt Nam tại Nhật Bản bị đánh đập, lạm dụng và đối xử bất công - Ảnh 2.

Một số ít những người bỏ việc đến các nhà tạm trú được điều hành bởi các nhóm phi lợi nhuận. Nhiều người trốn vào chợ đen lao động. Shigeru Yamashita, Giám đốc điều hành Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết: "Tình hình hoàn toàn khác với những gì họ được kể ở quê nhà. Họ có những khoản nợ không thể trả bằng tiền lương tại nhà, vì vậy lựa chọn duy nhất là lao động chui".

Luật lao động mới sẽ cho phép khoảng 345.000 công nhân trình độ thấp vào Nhật Bản trong vòng 5 năm ở 14 lĩnh vực, chủ yếu là xây dựng và chăm sóc điều dưỡng, hai ngành đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. 

Một "công nhân lành nghề " có thể ở lại Nhật trong vòng 5 năm nhưng không thể mang theo gia đình. Một loại thị thực thứ hai - hiện chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp xây dựng và đóng tàu - cho phép công nhân mang theo gia đình và đủ điều kiện ở lại lâu hơn. 

Nguyễn Thị Thúy Phương, 29 tuổi, để lại chồng con ở Việt Nam để làm thực tập sinh trong một nhà máy dệt kim ở thành phố Mitsuke, miền bắc Nhật Bản.

Ngành dệt may không được đưa vào chương trình thị thực mới vì tỷ lệ vi phạm luật lao động cao trong các chương trình thực tập sinh. Bây giờ, Phương chỉ ước mình có thể đưa gia đình sang và ở lại lâu hơn ba năm. "Cuộc sống ở Nhật Bản rất thuận tiện và không khí trong lành," cô trả lời Reuters bằng tiếng Nhật. 

Bộ Tư pháp đã ban hành các quy tắc mới: yêu cầu nhà tuyển dụng trả lương cho lao động nước ngoài ít nhất bằng tiền lương tối thiểu của nhân viên Nhật Bản. Nhưng Sasaki cho biết trọng tâm của Chính sách nhập cư sẽ là tình trạng cư trú, chứ không phải điều kiện lao động. 

Yuji Kuroiwa, Thống đốc tỉnh Kanagawa nói: "Nếu không có một khuôn khổ phù hợp cho người lao động nhập cư và họ bị cho là công cụ để bù đắp sự thiếu hụt lao động, thì chắc chắn sẽ có những vấn đề lớn". 

Takashi Takayama, tên tiếng Việt là Cao Sơn Quý, đã sang Nhật tị nạn vào năm 1979. Ông nhớ lại cách người nước ngoài bị đuổi việc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lo ngại một kịch bản tương tự sẽ xảy ra khi nhu cầu lao động giảm sau Thế vận hội Tokyo 2020. 

"Khi Thế vận hội kết thúc, tôi nghĩ một sự kiện bi thảm sẽ xảy ra", Takayama nói trong lễ đón năm mới của người Việt tại một nhà thờ Công giáo "Tôi không muốn thấy điều đó".

Thái Trang

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên