MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất an khi nghe 80% gia cầm tiêu dùng thủ đô giết mổ bằng… tay

11-08-2016 - 11:55 AM | Thị trường

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ khoảng 200 tấn thịt gia cầm, còn số liệu ngành thú y chỉ ra rằng, có trên 80% trong tổng số 200 tấn thịt gia cầm đó đang được giết mổ thủ công. Bởi, hiện trên địa bàn thành phố có vỏn vẹn 2 lò giết mổ...

Vỏn vẹn 2 lò mổ gà

Cuối tháng 11/2015, Chúng tôi từng có bài viết “Có một Thủ đô ăn... gà lông! ”, phản ánh tình trạng buôn bán gia cầm sống tràn lan trong nội thành Hà Nội, song bí bách không tìm được phương hướng giải quyết.

Nay, nhắc lại câu chuyện giết mổ gia cầm của Hà Nội nhiều người ngao ngán bởi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng, chẳng lẽ một thủ đô với bao nhiêu nhân tài vật lực lại bó tay không quản nổi mấy con gia cầm tươi sống đảm bảo ATVSTP phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày hay sao?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có vỏn vẹn 2 lò giết mổ gia cầm quy mô công nghiệp trên tỷ lệ dân số xấp xỉ 8 triệu người. Lớn nhất là nhà máy giết mổ của Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đặt tại huyện Chương Mỹ với công suất thiết kế 64.000 con/ngày.

Tuy nhiên, hiện công suất hoạt động thực tế của nhà máy chỉ đạt trung bình 20-30% so với thiết kế, tức chỉ khoảng 12.000 - 19.000 con/ngày.

Cơ sở giết mổ công nghiệp gà quy mô nhỏ còn lại thuộc Cty CP Thương mại Lan Vinh đặt tại huyện Gia Lâm với công suất thiết kế 10.000 - 15.000 con/ngày, song thực tế hiện chỉ đạt 3.000 con/ngày.

Như vậy, với công suất giết mổ công nghiệp thực tế chỉ khoảng 25-30 tấn/ngày, tỉ lệ giết mổ công nghiệp của Hà Nội hiện chỉ ở mức 12-18%, còn lại trên 80% gia cầm (gà, vịt, ngan) đang được giết mổ thủ công bằng tay không đảm bảo ATVSTP.

Không lẽ bó tay?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện ngành thú y chỉ quản cơ bản được khoảng 20% giết mổ gia cầm thông qua lò mổ công nghiệp, số còn lại có nắm bắt, kiểm soát nhưng phải thừa nhận là lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ.


Ảnh: Nguyên Huân

Ảnh: Nguyên Huân

Cũng theo ông Sơn, để thống kê chi tiết hiện nay Hà Nội có bao nhiêu cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, thủ công gần như không khả thi. Chỉ biết rằng, tại Hà Nội có những làng nghề với hàng trăm hộ dân đang kiếm kế sinh nhai bằng công việc giết mổ như Yên Thường (huyện Gia Lâm), Hữu Văn (huyện Chương Mỹ), Hà Vỹ (huyện Thường Tín), Hải Bối (huyện Đông Anh)…

Theo quy định của TP Hà Nội, muốn được công nhận cơ sở giết mổ công nghiệp phải xin phép và vị trí đặt lò giết mổ nằm trong quy hoạch. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội từ lâu đã cấm tuyệt đối việc chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các quận nội thành.

Tuy nhiên, thực tế là các cơ quan, ban ngành và chính quyền các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đã và đang thất bại với việc ngăn chặn, xử lý triệt để việc buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong nội đô. Có một thực tế, người tiêu dùng thủ đô có thể mua được gia cầm sống ở bất cứ quận nội thành nào.

Quay trở lại câu chuyện quản lý, cái khó cho ngành thú y hiện nay là muốn quản lý, đóng dấu kiểm dịch và thu phí, cơ sở giết mổ đó phải được chính quyền địa phương cấp phép cũng như phải đảm bảo các yêu cầu về máy móc, con người, môi trường, nhà xưởng…


sau ghi được cắt tiết, gà được ném xuống nền gạch rất mất vệ sinh

sau ghi được cắt tiết, gà được ném xuống nền gạch rất mất vệ sinh

Nhưng Hà Nội chỉ có 2 cơ sở giết mổ gia cầm là Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Cty CP Thương mại Lan Vinh là đáp ứng được các tiêu chí trên, còn lại đều chưa được cấp phép.

Do đó, việc ngành thú y đóng dấu kiểm dịch lên sản phẩm gia cầm giết mổ tại các cơ sở thủ công chưa được cấp phép về lý có khi còn sai, nhưng nếu buông bỏ không quản lý cũng rất dở và nguy hiểm vì không biết đâu mà lần. Hiện, ngành thú y Hà Nội đang đau đầu với tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này.

Rất nhiều lần trong các hội nghị, hội thảo khi tiếp xúc với lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo thành phố Hà Nội, chúng tôi đặt câu hỏi tại sao TP.HCM cấm triệt để được chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong nội thành còn Hà Nội lại không?

Phải chăng do các cấp chính quyền thủ đô chưa thực sự quyết liệt? Câu trả lời chúng tôi nhận được từ các vị tư lệnh ngành quả thực cũng đáng để suy ngẫm, nếu Hà Nội cấm một cách quyết liệt chắc cũng sẽ được, nhưng đằng sau đó là câu chuyện xã hội, công ăn việc làm, thu nhập của hàng nghìn người dân…

Vậy, phải làm sao trong trường hợp người dân không tự nguyện vào các khu giết mổ công nghiệp được quy hoạch trong khi việc thực phi pháp luật đã cơ bản bị vô hiệu hóa.


Tất cả các hộ giết mổ gia cầm ở chợ đầu mối Hải Bối (chợ Bắc Thăng Long) đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y

Tất cả các hộ giết mổ gia cầm ở chợ đầu mối Hải Bối (chợ Bắc Thăng Long) đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, chính quyền thành phố nên tạo điều kiện cơ chế, chính sách tối đa để kêu gọi, lôi kéo các doanh nghiệp tham gia may ra mới giải quyết được bài toán giết mổ trong tương lai gần. Và thực tế cho thấy, nếu không có vai trò trung tâm của doanh nghiệp, các mô hình rất khó thành công và phát triển bền vững.

Theo Nguyên Huân

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên