MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất cập quan trắc môi trường

14-05-2016 - 09:10 AM | Xã hội

Tình trạng nhiều địa phương xả thải ra môi trường trong khi chưa có các hệ thống quan trắc nguồn xả thải, chưa có căn cứ để xử phạt các hành vi gây hại đến môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã yêu cầu không chỉ “mất bò mới lo làm chuồng”, tới đây cần lập hệ thống quan trắc nguồn xả thải tại hầu hết các khu vực có nguy cơ ô nhiễm. Trong khi từ năm 2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) đã hoàn tất dự án Quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Nhưng đến thời điểm này, vẫn còn hàng loạt tỉnh có sản lượng nuôi trồng thủy sản lớn, nhưng vẫn chưa có hoạt động quan trắc môi trường, hoặc chỉ thực hiện quan trắc môi trường khi có dịch bệnh xảy ra.

Quan trắc môi trường nhiều bất cập

Qua đợt khảo sát các trung tâm quan trắc và 35 tỉnh nuôi các đối tượng chủ lực cho thấy, cán bộ chuyên trách quan trắc còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong số 4 trung tâm quan tắc, chỉ có 1 trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, bộ phận quan trắc của các chi cục hầu hết thiếu thiết bị phục vụ quan trắc môi trường (QTMT), một số tỉnh được trang bị để đo những thông số môi trường cơ quan như nhiệt độ, độ mặn…, còn lại đa số các tỉnh sử dụng các bộ test nhanh tại hiện trường.

Trong các tỉnh kiểm tra chỉ có Sóc Trăng, Bình Thuận, Cà Mau, Quảng Nam được đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị. Tiếp theo đó là Phú Yên và Bến Tre. Bạc Liêu có sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đứng thứ 2 cả nước nhưng công tác QTMT chưa được quan tâm đầy đủ nên thiếu trang thiết bị và hoạt động quan trắc định kỳ.

Bên cạnh đó, tần suất quan trắc cũng rất ít. Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT cho thấy, QTMT chỉ tập trung vào các vùng nuôi chủ lực của các tỉnh NTTS chủ lực như: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, cá biển, tôm hùm… Các địa phương chủ yếu QTMT khu vực nuôi tôm nước lợ (60%), một số tỉnh nuôi cá tra như Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, hay các tỉnh nuôi nhuyễn thể, cá rô phi, tôm hùm, cá biển… có tần suất và mức độ quan trắc thấp hơn rất nhiều.

Do tần suất và mức độ QTMT thấp, nên việc đánh giá môi trường, dịch bệnh, các vi sinh vật có hại hoặc có lợi… không được đánh giá, cập nhật thường xuyên, khiến dịch bệnh trên các diện tích NTTS phổ biến. Điều này lý giải tại sao có những đợt tỉ lệ nấm, dịch bệnh, đột quỵ… trên các loài hải sản, đặc biệt là tôm, cá… lại xảy ra đột ngột và thường xuyên, khiến người nuôi thả vô cùng tốn kém.

Cần đầu tư mỗi tỉnh một máy đo thông số môi trường

Theo ông Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ NNPTNT) - yếu tố môi trường hết sức quan trọng trong sự thành công hay thất bại của nuôi trồng thủy sản. Sau đó là yếu tố công nghệ. Nếu môi trường thuận lợi thì chỉ số thành công cao hơn nhiều. Quan trắc là có cơ sở để cải thiện môi trường, nhưng chi phí cao, dẫn đến giá thành cao, khiến sản phẩm giảm sự cạnh tranh.

Vấn đề quan trắc dự báo biến động môi trường đóng góp cơ sở phòng trị bệnh cho hải sản là hết sức quan trọng, mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, hiện nay mức đầu tư QTMT đã được quan tâm nhưng chưa đủ. Để thực hiện QTMT chính xác, chúng ta cần dược đầu tư nhiều hơn cả quy mô và số lượng, để đảm bảo về không gian (khoảng cách lấy mẫu giữa các tỉnh) và thời gian (số lần đo đạc hoặc lấy mẫu để xét nghiệm). Nếu tần suất thấp, các nhà khoa học rất khó xác định, đánh giá xu thế biến động của môi trường, khiến kết quả sẽ không cao.

Hiện nay, NTTS ở nước ta đa dạng về chủng loại và nuôi rộng khắp cả nước, trong khi đó nguồn lực có hạn nên không thể tiến hành quan trắc mọi vùng nuôi. Có rất nhiều thông số môi trường ảnh hưởng đến NTTS, tuy nhiên, việc tập trung vào quan trắc những thông số ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi là cần thiết. Quan trắc các yếu tố môi trường như: Thủy lý, thủy hóa và thủy sinh, phục vụ các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, ngao, tôm hùm… cần được quan tâm.

QTMT cá tra nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng nước và ảnh hưởng của nuôi cá tra tới môi trường xung quanh để cung cấp thông tin để cơ quan quản lý xử lý kịp thời. Đối với ngao, nghêu, quan trắc nhằm đánh giá chất lượng nước vùng cửa sông, thủy triều ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nuôi, tập trung ở những vùng có nguy cơ gây biến động môi trường vùng nuôi, đặc biệt là những khu vực có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp và nguồn nước thải sinh hoạt theo dòng chảy đổ về khu vực nuôi để cảnh báo sớm những chỉ tiêu ô nhiễm môi trường và có biện pháp phòng tránh bệnh hợp lý.

“Để có kết quả QTMT chính xác, mỗi tỉnh cần đầu tư bổ sung thêm máy phân tích kim loại nặng, máy phân tích thuốc bảo vệ thực vật, bộ thiết bị đo và phân tích các thông số về môi trường, bộ thiết bị đo nhanh các thông số môi trường” - ông Võ Thế Dũng cho biết.

Theo Khánh Vũ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên