MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp chiến tranh thương mại, Trung Quốc quyết tâm mở rộng "cánh cửa" 43 nghìn tỷ USD chào đón Phố Wall và hứa sẽ không "chèn ép" các công ty nước ngoài

27-09-2019 - 20:14 PM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia nhận định: "Trung Quốc rất quyết tâm cải tổ thị trường tài chính và biết rằng nếu không có những ngân hàng lớn của Mỹ thì rất khó để họ đạt được mục tiêu hướng đến một thị trường quốc tế hoá thực sự."

Theo Bloomberg, các giám đốc điều hành từ những ngân hàng và công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ, trong đó có JPMorgan và Goldman Sachs, đang thực hiện cuộc gặp với những nhà quản lý cấp cao của Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy rằng chiến tranh thương mại với Mỹ không ảnh hưởng quá lớn đến việc Trung Quốc mở cửa hệ thống tài chính 43 nghìn tỷ USD.

Ngày 27/6, trong số những nhân vật tham dự sự kiện này tại khách sạn Ritz-Carlton trên Phố Tài chính Bắc Kinh, có Thống đốc NHTW Dịch Cương và các quan chức cấp cao của Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, theo chương trình nghị sự của cuộc họp.

Theo các chương trình nghị sự, những nhân vật khác tham gia sự cuộc họp tại Bắc Kinh có Phó Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liêu Mân, Phó Chủ tịch CSRC Phương Hưng Hải, COO của Goldman Sachs John Waldron và giám đốc kinh doanh toàn cầu của Morgan Stanley Frack Petitgas. Ngoài ra, Ken Griffin - điều hành quỹ phòng hộ Citadel, Alan MacDonald - phó chủ tịch của Citigroup, Chris Heady - chủ tịch của Blackstone, cũng đến tham dự. 

Dù chiến tranh thương mại nổ ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở cửa hệ thống tài chính với tốc độ lớn chưa từng thấy, nhằm thu hút các ngân hàng toàn cầu tiếp cận thị trường với lợi nhuận thường niên hứa hẹn sẽ là khoảng 9 tỷ USD. Trong khi chính sách này được đưa ra nhằm phản đối ý kiến của Mỹ cho rằng Trung Quốc chỉ hưởng lợi một phía trong thương mại, thì những động lực trong nước lại đóng vai trò quan trọng đối với sự thúc đẩy, theo Michael Pettis, giáo sư ngành tài chính tại Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh.

Ông nhận định: "Trung Quốc rất quyết tâm cải tổ thị trường tài chính và biết rằng nếu không có những ngân hàng lớn của Mỹ thì rất khó để họ đạt được mục tiêu hướng đến một thị trường quốc tế hoá thực sự. Điều này cũng hiệu quả với Trung Quốc trong việc có được sự ủng hộ, đặc biệt là khi phía Mỹ hiện tại ít đồng tình với họ."

Hiện tại, đại diện của JPMorgan và Goldman Sachs từ chối bình luận, còn PBOC và Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) chưa trả lời về yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Bất chấp chiến tranh thương mại, Trung Quốc quyết tâm mở rộng cánh cửa 43 nghìn tỷ USD chào đón Phố Wall và hứa sẽ không chèn ép các công ty nước ngoài - Ảnh 1.

Giới chức nhận thấy mở cửa là điều cần thiết

Các cơ quan quản lý của Trung Quốc không thể "làm ngơ" đối với những vấn đề của thị trường tài chính trong nước. Năm ngoái, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đã đạt mức cao kỷ lục và các ngân hàng của nước này đang chứng kiến tình trạng bảng cân đối kế toán "phình to" với tỷ lệ nợ xấu ngày càng nhiều. Những công ty niêm yết phải chịu sự quản lý gắt gao khi để lộ ra sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh, từ các hồ sơ IPO cho đến "lỗi" trong khâu kế toán khiến 4,4 tỷ USD bị "thổi bay". Điều này khiến các nhà đầu tư cực kỳ cảnh giác. Các quan chức và nhiều học giả cho biết những công ty nước ngoài có thể giúp ngành công nghiệp này đi đúng hướng và tăng sự tập trung vào hoạt động kinh doanh.

Li Haitao, giáo sư cấp cao ngành tài chính của trường Học viện Kinh doanh Trường Giang tại Bắc Kinh, cho hay: "Mở cửa là một cách để đặt áp lực đối với quá trình cải cách hệ thống tài chính, đặc biệt là cân nhắc về nhiều nhóm cạnh tranh lợi ích."

Các công ty nước ngoài sẽ không phải chịu gánh nặng do những nhiệm vụ phải thực hiện theo chính sách, chẳng hạn như mục đích cho vay đối với những công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp ở vùng nông thôn mà các công ty trong nước cần phải đề phòng, theo Zhang Chenghui. Zhang là cựu giám đốc viện tài chính tại Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện. Ông nói thêm rằng các công ty địa phương có thể được cho phép loại bỏ những nhiệm vụ này khi thị trường mở cửa, đón nhận sự cạnh tranh đến từ nước ngoài.

Sự thay đổi của Trung Quốc sang một nền kinh tế định hướng tiêu dùng hơn đã giúp tình trạng thặng dư thương mại thu hẹp. Đây là một xu hướng vốn có thể bị gây ra bởi chiến tranh thương mại. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu và cao hơn, thì nhu cầu quản lý tài sản ngày càng tăng cao.

Điều quan trọng là, việc mở cửa cũng có thể cho phép Trung Quốc "kết bạn" với "đúng người đúng thời điểm" khi căng thẳng chính trị gia tăng. Bloomberg Intelligence ước tính rằng - ngoại trừ trường hợp kinh tế giảm tốc hay thay đổi trên phạm vi rộng, các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể thu về khoản lợi nhuận ở Trung Quốc là 9 tỷ USD mỗi năm, vào năm 2030. Mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Phố Wall và thị trường Trung Quốc có thể khiến một số giám đốc điều hành sẽ có tiếng nói đối với Trung Quốc tại Washington.

Trở ngại khi tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc

Dẫu vậy, việc mở cửa ngành tài chính có thể chưa đủ để giải quyến những mối quan tâm cốt lõi của chính quyền Mỹ hiện tại. Jude Blanchette, chủ tịch nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói: "Bạn sẽ cần một loạt các chính sách cải cách đáng tin cậy trong những lĩnh vực cốt lõi của mối quan tâm chính trị và quốc gia, trước khi tạo ra sự thay đổi ở Washington."

Bất chấp chiến tranh thương mại, Trung Quốc quyết tâm mở rộng cánh cửa 43 nghìn tỷ USD chào đón Phố Wall và hứa sẽ không chèn ép các công ty nước ngoài - Ảnh 2.

Thị phần của các công ty nước ngoài ở thị trường vốn Trung Quốc.

Hiện tại, vẫn còn khá nhiều trở ngại đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Số liệu gần đây nhất do NHTW công bố cho thấy sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường tài chính nước này vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm 3,1% thị trường chứng khoán và 2,2% thị trường trái phiếu. Tính đến tháng 5, các công ty nước ngoài chiếm 1,6% tài sản có của ngân hàng và 5,8% tài sản bảo hiểm.

Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết trong Sách Trắng năm 2019: "Quy trình xin giấy phép kinh doanh hiện tại, chẳng hạn như quy trình sở hữu quyền kiểm soát đa số trong các doanh nghiệp chứng khoán, vẫn đòi hỏi cam kết vốn trả trước lớn và trải qua quy trình xét duyệt kéo dài."

Các giám đốc điều hành công ty tài chính nước ngoài cũng phàn nàn về những khó khăn trong việc cạnh tranh với các công ty nhà nước - được chính phủ hậu thuẫn các mối quan hệ lâu dài.

Khi vòng đàm phán thương mại cấp cao dự kiến sẽ tái khởi động vào tháng tới, có thể thị trường tài chính Trung Quốc sẽ được mở cửa rộng hơn nữa. Gần đây nhất, các cơ quan quản lý cho phép những công ty nước ngoài trở thành bên bảo lãnh chính cho tất cả các loạt trái phiếu và kiểm soát các thực thể, bao gồm các công ty quản lý tài sản và nhà quản lý quỹ hưu trí.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên