MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản Nha Trang, Đà Nẵng khan hiếm nguồn cung mới

04-05-2019 - 15:36 PM | Bất động sản

Trong khi các dự án cũ ồ ạt vào giai đoạn hoàn thiện và hoạt động thì thị trường BĐS tại Đà Nẵng và Nha Trang lại thiếu hụt nguồn cung mới.

Theo báo cáo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu như cách đây một hai năm Đà Nẵng và Khánh Hòa là hai địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng thì hiện nay rất khó tìm các dự án mới ra mắt tại hai thị trường này.

Cụ thể, thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy trong quý 1/2019. Đà Nẵng chỉ có khoảng 119 sản phẩm mới ra mắt thị trường, còn tại Nha Trang cũng chỉ có khoảng 444 sản phẩm căn hộ chung cư và 760 căn thấp tầng gia nhập thị trường. Con số này giảm nghiêm trọng so với hàng chục nghìn sản phẩm ra mắt trong giai đoạn 2017-2018.

"Hiện tượng trì trệ phát triển các dự án BĐS xuất hiện trong thời gian dài tại 2 địa phương này làm mất cân đối cung cầu của thị trường, tạo tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Dù vậy, hoạt động mua đi bán lại đang sôi động lên nhờ sự đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp", báo cáo của Hội môi giới nêu rõ.

Quan sát trên thị trường cho thấy trong khi các dự án mới khan hiếm thì nhiều dự án đã bắt đầu hoàn thiện và đưa vào sử dụng đang tạo nên giao dịch mua đi bán lại sôi động trên thị trường. Tại Đà Nẵng có thể kể đến hàng loạt dự án đã hoàn thiện như Four Points by Sheraton Đà Nẵng, Vinpearl Condotel Đà Nẵng...Tại Nha Trang hàng loạt dự án đã hoàn thiện như Ariyana Smart Condotel, The Costa Nha Trang, Panorama Nha Trang...cũng đang hút nhà đầu tư.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ về chính sách cho các chủ sở hữu. Đơn cử như tại dự án Ariyana Smart Condotel, thay vì cam kết chia sẻ lợi nhuận chủ đầu tư này đã chuyển hướng cam kết chia sẻ doanh thu. Cụ thể, chủ đầu tư cam kết chia sẻ doanh thu 10%/năm trong 4 năm đầu tiên. Từ năm thứ 5, dù hoạt động kinh doanh của toà nhà lãi hay lỗ thì chủ sở hữu condotel vẫn hưởng 30% doanh thu và có khả năng hoàn vốn đầu tư chỉ sau 9,5 năm. Ngoài ra, chủ sở hữu còn được chia sẻ kỳ nghỉ 15 ngày nghỉ hoán đổi trong năm, thời gian ủy thác lên tới 20 năm.


Bất động sản Nha Trang, Đà Nẵng khan hiếm nguồn cung mới - Ảnh 1.

(Nguồn: Hội môi giới BĐS Việt Nam).

Theo Hội môi giới, trước đây, 2 địa phương này đã có sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách nhà nước và từ các doanh nghiệp phát triển bất động sản trong và ngoài nước đã tạo được một hệ thống hạ tầng đô thị đạt chất lượng cao, tạo đà cho phát triển kinh tế và thị trường BĐS ở mức tăng tưởng mạnh. Nếu không sớm có phương án xử lý để các dự án phát triển BĐS được tiếp tục triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thị trường BĐS địa phương.

Đánh giá về tiềm năng để đầu tư vào bất động sản nhà ở và nghỉ dưỡng tại 2 địa phương này, Hội môi giới cho rằng tiềm năng thị trường vẫn đang ở mức cao. Hiện tại, do khó khăn về cơ chế, chính sách tại đây khiến các nhà đầu tư đang lan tỏa hướng đầu tư sang các tỉnh lân cận 2 địa phương này. Nếu chính quyền Đà Nẵng và Khánh Hòa sớm điều chỉnh quản lý và tiếp tục có chính sách thu hút, đẩy mạnh đầu tư sẽ tạo niềm tin và kéo các nhà đầu tư quay trở lại.

Cùng quan điểm với Hội môi giới BĐS Việt Nam, báo cáo của Savills cũng cho biết, bức tranh chung của phân khúc căn hộ khách sạn, căn hộ để bán và biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng trong đầu năm 2019 là rất ít hoặc không có dự án mở bán mới. ”Nguồn cung mới hạn chế và nguồn cầu ổn định dẫn đến tỷ lệ hấp thụ lũy kế đến hiện tại cao tại Đà Nẵng", bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng phòng nghiên cứu Savills Hà Nội nhấn mạnh.

Trước đó bà Hằng cũng cho biết tại Nha Trang sau thời gian 2016-2017 bùng nổ về nguồn cung , lượng nguồn cung mới tung ra thị trường giai đoạn 2018-2019 đã giảm mạnh, nguồn cung mở bán trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán từ giai đoạn trước. Mặc dù nguồn cung giảm mạnh, theo bà Hằng danh tiếng chủ đầu tư, chương trình cam kết lợi nhuận và vị trí gần biển là các yếu tố chính hút khách hàng ở các dự án đang mở bán.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên