Thủ đô mở rộng là một nhu cầu tất yếu. Quy hoạch Thủ đô có tầm
quan trọng lịch sử, ảnh hưởng tới sự phát triển đất nước, nâng cao lòng tự hào
dân tộc, tôn vinh tâm hồn và tài trí Đại Việt.
Mô hình đô thị “hạt nhân và vệ tinh”
Đã lạc hậu, sự chênh lệch quá lớn về quy mô, sức phát triển,
sức hút đô thị giữa hạt nhân, vệ tinh và vùng nông nghiệp (ở bậc thấp nhất
trong hệ thống chính quyền đa tầng bậc), tính không bền vững của ranh giới đô
thị và quy mô dân số, sự bất bình đẳng lãnh thổ và xã hội, sẽ làm tăng nguy cơ
biến Thủ đô thành một “Siêu đô thị đơn cực” khổng lồ với những vấn nạn bất khả
kháng, sẽ làm tan rã cấu trúc đô thị, làm nghèo tính đa dạng, năng động, đa bản
sắc của Hà thành.
Sự dàn trải các chức năng Thủ đô trên toàn bộ địa bàn 3.344
km2 và sự lệ thuộc vào các dự án riêng lẻ, rời rạc, tự phát, thiếu bản sắc, sẽ ảnh
hưởng đến tính khoa học hoàn chỉnh của Quy hoạch, làm phân rã cộng đồng, làm
tăng sự phân hoá giầu nghèo, sự tách biệt văn hoá, lối sống, truyền thống… làm
suy giảm hiệu quả quản lý, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội
(thời gian, công của).
Chưa có một hệ thống Hội đồng khoa học (thẩm định các đồ án
Quy hoạch để chính quyền lập kế hoạch
triển khai), một hệ thống Kiến trúc sư trưởng các cấp (xây dựng các đồ án Quy
hoạch và giám sát việc thực hiện Quy hoạch), một cơ chế hoàn chỉnh để huy động
tài trí của cộng đồng, thì các đồ án sẽ kém chất lượng, việc xây dựng đô thị sẽ
gặp nhiều trở ngại, không bền vững, cư dân sẽ thiếu tình cảm gắn bó với thành
phố.
Mô hình “Chùm thành phố” (chùm đô thị đa trung tâm)
Hiện nay những nước mới nổi và đang phát triển khi cần mở rộng
Thủ đô thường lựa chọn mô hình “chùm thành phố” (Thủ đô cũ kết hợp với vài
thành phố lân cận) để phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế - xã hội, nền Khoa học
- Kỹ thuật - Công nghệ, nền Văn hoá - Nghệ thuật - Thể thao, nền Giáo dục toàn
dân, hiện đại hoá hệ thống quản trị đô thị.
Seoul kết hợp với hơn 20 thành phố thành vùng Thủ đô Seoul
(11.725 km2 với 23 triệu dân). Manila (646km2 - 1,6 triệu dân) với 17 thành phố
thành Metro Manila (1500km2 - 14 triệu dân). Jakarta (664km2 - 8,6 triệu dân) +
3 thành phố Bogor, Tangerang, Bekasi, thành Jabotabek (7.315 km2 - 23,65 triệu
dân). Bangkok (600 km2 - 6,2 triệu dân) + vài thành phố liền kề thành Vùng đô
thị Bangkok (1600km2 - 12 triệu người). Mới đây Malaysia đã mở rộng Thủ đô to gấp
4 lần Singapore bằng cách kết hợp với 7 thành phố và một tỉnh, thành Đại Kuala
Lumpur (2793km2 – 7,2 triệu dân).
Mô hình “Chùm thành phố” không phá vỡ cấu trúc đô thị các
thành phố, chỉ cần bổ sung, chỉnh trang, hoàn chỉnh theo những chức năng mới được
bổ sung của Thủ đô; kế thừa và phát huy những lợi thế, đặc trưng, bản sắc, truyền
thống văn hoá của từng vùng lãnh thổ; với diện tích vừa phải của từng thành phố
dễ quy hoạch hợp lý, dễ quản lý khoa học, tinh giản, năng động, dễ huy động sự
đóng góp của Cộng đồng.
Thủ đô Thăng Long có địa bàn gấp 5,2 lần Singapore. Có thể
bao gồm 5 “Thành phố đồng nhất” (uni - city)
1. Thành phố Hà Nội (nam sông Hồng tới Vành đai 4): Trung
tâm Chính trị - Hành chính Quốc gia và Thủ đô, trung tâm Khoa học - Kỹ thuật đầu
ngành, trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật - Thể thao, trung tâm Du lịch - Dịch vụ,
với đặc trưng và bản sắc truyền thống của kinh đô Thăng Long ngàn năm tuổi.
2. Thành phố Cổ Loa (Mê Linh - Đông Anh - Long Biên - Gia
Lâm): Nằm trên vùng giao thoa của hành lang Đông - Tây (Hải Phòng - Hà Nội -
Lào Cai) và trục kinh tế xuyên Việt Bắc
- Nam, có hệ thống giao thương thuỷ - bộ - đường sắt - đường hàng không, sẽ
phát triển thành một Trung tâm Tài chính - Ngân hàng - Thương mại Quốc gia và
Quốc tế hiện đại, tầm cỡ khu vực. Biểu trưng của thành phố là Cố đô mấy ngàn
năm lịch sử Cổ Loa, với kiệt tác kiến trúc Loa thành bất hủ.
3. Thành phố Sóc Sơn: Thành phố huyền thoại Phù Đổng Thiên
Vương, trung tâm Phật giáo, trung tâm Du lịch sinh thái - Nghỉ dưỡng. Tiếp giáp
với vòng cung tài nguyên và công nghiệp phía Bắc, Sóc Sơn sẽ trở thành một
thành phố công nghiệp và du lịch phát triển.
4. Thành phố Hà Tây: Thành phố Nông - Công nghiệp - Làng nghề
hiện đại, với những tổ hợp Nông - Công
nghiệp - Thuỷ sản quy mô lớn, những trang trại cổ phần và những Làng nghề
công nghiệp hoá.
Những điểm dân cư Nông thôn mới, với phong cách kiến trúc
xanh hiện đại, mà vẫn giữ được lối sống truyền thống làng quê, cùng với kho báu
di sản Văn hoá - Lịch sử vật thể và phi vật thể dầy đặc trên vùng danh lam thắng
cảnh, tiêu biểu là Nam thiên đệ nhất động Hương Sơn tuyệt mỹ, là một vùng Văn
hoá xứ Đoài, đậm đà bản sắc dân tộc.
5. Thành phố Ba Vì (Sơn Tây, Ba Vì, Hoà Lạc, Xuân Mai): Vùng
đất thiêng, vùng Đất Tổ, tâm linh Đại Việt.
Quanh ngọn chủ sơn Ba Vì - Tản Viên 50 - 60km, là một vùng
non xanh nước biếc tráng lệ, dày đặc các di chỉ khảo cổ, huyền tích, di sản Văn
hoá - Lịch sử, những danh lam thắng cảnh, những Vườn Quốc gia Ba Vì - Tam Đảo -
Xuân Sơn… sẽ là một quần thể các loại hình Du lịch sinh thái - Nghỉ dưỡng, Thể
thao địa hình tầm cỡ Quốc tế. Làng văn hoá các dân tộc Việt và Tổ hợp Khoa học
- Công nghệ cao - Giáo dục Hoà Lạc, càng tôn vinh bản sắc văn hoá cho toàn
vùng.
Quy hoạch các “Thành phố đồng nhất” (không có ngoại ô):
Môi trường xanh – Kiến trúc xanh – Năng lượng xanh – Giao
thông xanh – Kinh tế Xanh. Các điểm dân cư (R<2 – 2,5km) đủ hạ tầng kĩ thuật,
các công trình công cộng – dân sinh – phúc lợi – xã hội.
Hạn chế: Nhà ở thấp tầng, vườn rộng, biệt thự lớn, đất và
trang trại tư nhân, nhà ở công vụ, trụ sở công quyền bề thế, phòng họp, các
công trình hoành tráng nghèo ý nghĩa, các đại lộ quá rộng, giao thông ngầm
v…v.. Giảm biên chế hành chính, chi tiêu công, xe công, hội họp, lễ lạt… Tăng tỉ
lệ lao động hữu ích.
Ưu tiên: các cơ sở sản xuất - kinh tế sạch, các Tổ hợp khoa học – Công nghệ
- Giáo dục chuyên ngành, các công trình Văn hóa – Thể Thao – Y tế - Du lịch –
Nghỉ dưỡng bình dân, công cộng, được cổ phần hóa rộng rãi.
Theo Đỗ Quang Toản
Dân trí