MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biệt thự Pháp đổ sập: Ai chịu trách nhiệm?

23-09-2015 - 07:24 AM | Bất động sản

Trao đổi với phóng viên về vụ sập biệt thự Pháp tại 107 Trần Hưng Đạo, ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, mục đích sử dụng biệt thự này là để làm trụ sở nếu nhà nguy hiểm ngành Đường sắt phải chủ động xử lý…

Ông Hoàng Tú cho biết nhà sập là biệt thự Pháp thuộc nhóm 2, là nhà vắng chủ trước đây do Sở Nhà đất quản lý, sau đó giao cho Tổng cục Đường sắt thuê mục đích là trụ sở cơ quan, không phải là nhà để ở. 

Đến năm 2013, Tổng Công ty đường sắt được Bộ Tài chính cho phép sắp xếp lại cơ sở nhà đất này theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cấp sổ đỏ cho đơn vị sử dụng. Do vậy hiện nay nhà này không thuộc quản lý của thành phố.

Hiện nguyên nhân nhà sập chưa thể kết luận mà còn chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá. Cũng theo ông Tú, về quy định, dù là biệt thự Pháp nhưng nếu nguy hiểm vẫn được cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn. Với biệt thự nhóm 1, khi xây dựng, cải tạo lại phải giữ nguyên như ban đầu.

Với biệt thự nhóm 2, khi cải tạo thì phải giữ lại những tiêu chuẩn cơ bản như mật độ, chiều cao, bên trong có thể sửa chữa. Với biệt thự nhóm 3 thì có thể được phá dỡ để xây dựng nhà mới. Các trường hợp muốn phá dỡ, cải tạo thì đều phải được cơ quan chuyên môn thẩm định về mức độ nguy hiểm.

Phân tích về trách nhiệm, ông Hoàng Tú cho rằng: Đây là nhà đã giao cho đơn vị thuộc ngành Đường sắt thuê làm trụ sở nên tình trạng an toàn tại đó, trách nhiệm sửa chữa do đơn vị được giao sử dụng chịu trách nhiệm.

“Bên ngành Đường sắt sử dụng nhà mấy chục năm qua thì họ phải biết được tình trạng căn nhà ra sao, cũng giống như mình phải biết về sức khỏe của chính mình. Nếu nhà nguy hiểm, ngành Đường sắt phải báo cáo cơ quan chức năng”, ông Tú nói.

Phóng viên đặt câu hỏi: nhà đã xuống cấp nguy hiểm nhiều năm, đơn vị sử dụng đã gửi đơn xin cải tạo chưa? Ông Trương Đình Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, đến nay đối với UBND quận Hoàn Kiếm chưa nhận được văn bản nào của đơn vị sử dụng hay chủ đầu tư xin phép cải tạo hay sửa chữa lại công trình này.

Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, diện nhà biệt thự, nhà cũ được xây dựng từ thời Pháp trước năm 1954 đang giao cho các cơ quan làm trụ sở hiện khá nhiều. Nếu được bảo trì thường xuyên thì không vấn đề gì nhưng nếu thiếu quan tâm thì sẽ bị xuống cấp rất nhanh do thời hạn sử dụng đã lâu.

UBND phường có trách nhiệm kiểm tra giám sát các công trình, ghi nhận các trường hợp thông báo nhà nguy hiểm để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Nếu nhà nguy hiểm mà không chủ động khai báo thì không ai có thể biết được. Hiện nay thành phố đang yêu cầu làm rõ nguyên nhân và xem xét tình trạng các căn nhà liền kề nếu bị nguy hiểm.

Được biết, hiện nay Hà Nội có 970 biệt thự Pháp, trong đó có 42 biệt thự không được phép bán; 580 biệt thự chưa bán và đã bán một phần; số lượng biệt thự do thành phố quản lý đan xen trụ sở cơ quan không bán là 105 căn…

Theo Minh Tú - Nguyễn Tuấn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên