MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có cơ chế cụ thể riêng cho chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng

26-08-2015 - 20:36 PM | Bất động sản

Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội

Trong bối cảnh các quốc gia có thu nhập trung bình (MIC) đã kết hợp việc huy động nguồn vốn ODA với các nguồn tài chính phát triển khác, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP), sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối, các quỹ từ thiện, xã hội,... để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA như thế nào là trao đổi của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông với Người Đồng Hành.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình ký kết, thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiện nay?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Về tình hình ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, có thể thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay, khi tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2013 là 6.601 triệu USD; năm 2014 là 4.379 USD; năm 2015, dự kiến là 3.313 triệu USD (trong đó 6 tháng đầu năm 2015 là 1.590 triệu USD).

Đây là một xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 đồng thời phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững. Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tổng mức giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.

NĐH: Đâu là các nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, thưa Thứ trưởng?

Các nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu vẫn là do vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; vướng mắc do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; vướng mắc do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng,...

Trong đó, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội. Mặc dù vấn đề trên đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 nhờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ mới được cải thiện ở mức độ nhất định.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác. Đang lưu ý là trong khi các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công với nhiều biện pháp tăng cường quản lý nợ công thì các Bộ, ngành và địa phương vốn quen với hình thức cấp phát từ ngân sách nhà nước và chưa sẵn sàng chuyển tiếp sang hình thức vay lại, tiếp cận các nguồn vốn ngày càng đắt đỏ từ các khoản vay kém ưu đãi của các nhà tài trợ như IBRD, OCR,...

Thêm vào đó, sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ song phương đã thay đổi chính sách viện trợ đối với Việt Nam theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt viện trợ cho Việt Nam như Thụy Điển, Anh, Bỉ,... Ngay Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn cũng cắt giảm viện trợ không hoàn lại trong những năm gần đây. Công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều chậm trễ, chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng được yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư, đặc biệt trong trường hợp áp dụng cơ chế cho vay lại, chưa thể hiện vai trò làm chủ và còn lệ thuộc vào nhà tài trợ và ý tưởng của thiết kế của chuyên gia, tư vấn nước ngoài.

Ngoài ra, một số bộ, ngành và địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới như phương thức tài trợ chương trình, hình thức cho vay 02 bước của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Quy trình, thủ tục nội bộ trong các cơ quan từ khâu vận động, chuẩn bị dự án đến khâu đàm phán và ký kết hiệp định còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Vậy đâu là giải pháp cụ thể để tăng hiệu quả công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn viện trợ quý giá này, thưa Thứ trưởng?

Để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm bằng hoặc cao hơn năm 2014 (tương đương 5.655 triệu USD) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là: Trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-TTg ngày 25/7/2014, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn thành theo đúng tiến độ được giao. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng đến việc lựa chọn các dự án ưu tiên, nâng cao chất lượng văn kiện dự án để đảm bảo hiệu quả đầu tư trong tình hình mới khi nguồn vốn vay ngày càng đắt đỏ.

Hai là, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định, đặc biệt trong công tác chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển.

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ tăng cường giám sát chặt chẽ các dự án thuộc Danh sách chậm tiến độ, tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA.

Bốn là; đối với các dự án đường sắt đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành lập Nhóm công tác liên ngành gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các nhà tài trợ liên quan để xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai và thực hiện các dự án này.

Năm là: Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi theo tiến độ giải ngân thực tế và khả năng cấp vốn của nhà tài trợ quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công không chỉ cho năm 2015 mà cho cả các năm tiếp theo. Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát đầy đủ danh mục các chương trình, dự án để giao vốn đầu tư nguồn nước ngoài trong dự toán NSNN, khắc phục tình trạng dự án không giải ngân được do không được giao kế hoạch giải ngân vốn nước ngoài.

Sáu là: về vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, trên cơ sở báo cáo tình hình kế hoạch bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA, đề nghị các bộ, ngành và địa phương thường xuyên rà soát và báo cáo cập nhật tình hình giải ngân nguồn vốn này để có phương án xử lý, điều tiết kịp thời. Để tránh tình trạng các đơn vị cam kết với nhà tài trợ trong khi không đủ khả năng bố trí vốn đối ứng dẫn đến thiếu vốn trong quá trình thực hiện gây chậm trễ ách tắc triển khai dự án và đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ gây bị động cho ngân sách trung ương, đề nghị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị căn cứ vào nguồn vốn đối ứng trong nước hàng năm để cân đối tính toán nguồn vốn vay nước ngoài đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án; trong trường hợp thiếu vốn đối ứng, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị tự chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng.

Bẩy là: Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ KH&ĐT đề nghị xây dựng cơ chế cụ thể riêng cho chính sách đền bù, GPMB, đặc biệt đối với các dự án lớn với các công trình trọng điểm của đất nước, bảo đảm chỉ đạo sát sao đối với công tác bồi thường và tái định cư theo đúng quy định và bảo đảm quyền lợi của cả người dân và nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án ODA.

Và cuối cùng, chúng tôi đề nghị cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức theo ngành, lĩnh vực. Theo đó, đề nghị các cơ quan chuyên ngành (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng,...) rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, trước mắt liên quan quan đến đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác đường sắt đô thị tại Việt Nam. Tổng hợp, thống kê suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị trên thế giới và khu vực quy về một mặt bằng giá, làm cơ sở cho việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Theo Song Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên