MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa quyết toán vẫn “hồn nhiên” thu phí

21-03-2016 - 22:17 PM | Bất động sản

Ngày 15.3 chúng tôi có bài viết phản ánh những khuất tất trong chuyển vốn tại dự án BOT quốc lộ 51 Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngày 16.3, Bộ GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát dự án trọng điểm này và qua đó tiếp tục lộ ra những vấn đề còn bất cập.

Bộ Xây dựng “bật đèn xanh” để Thái Ninh thâu tóm vốn

Những khuất tất trong chuyển vốn như việc tại sao các cổ đông sáng lập là BIDV, TCty Sông Đà bỗng nhiên “biến mất” - toàn bộ số vốn của BIDV được chuyển nhượng cho Cty TNHH Thái Ninh, vốn của TCty Sông Đà chuyển cho TCty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC) mà không báo cáo Chính phủ, không báo cáo bên A là Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT?

Mặt khác, tại sao trong quá trình chuyển vốn, khi cả hai cổ đông là DIC và IDICO có ý định thoái vốn để đầu tư vào các trọng điểm khác thì đều được Bộ Xây dựng “bật đèn xanh”, gợi ý bán cho Thái Ninh để Cty này có thể sở hữu toàn bộ vốn của dự án BOT quốc lộ 51 có tổng đầu tư lên tới gần 4.000 tỉ đồng.

Điều đáng nói như chúng tôi phản ánh, cho đến thời điểm hiện tại, cả DIC, IDICO và Thái Ninh mới chỉ góp khoản vốn hơn 100 tỉ đồng trong tổng số vốn phải góp là 1.700 tỉ đồng. Nếu quá trình chuyển nhượng được Bộ Xây dựng bật đèn xanh để IDICO bán cho Cty tư nhân Thái Ninh thực chất chỉ là phần vốn ít ỏi, còn chủ yếu là những khoản đang còn… nợ, chẳng khác nào để Thái Ninh “tay không bắt giặc” thâu tóm, cổ phiếu của dự án này và không ai đảm bảo là liệu Thái Ninh có tiến hành một cuộc “chuyển vốn” khác trong tương lai hay không.

Trong khi, ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc IDICO - lại “tiết lộ” rằng, chỉ đạo của Bộ Xây dựng (theo văn bản 282/BXD-QLDN do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký ngày 19.2.2016) yêu cầu IDICO ưu tiên chuyển nhượng cho Thái Ninh là sai bởi Thái Ninh “chưa phải là nhà đầu tư được Bộ GTVT chấp thuận, chưa góp vốn chủ sở hữu và không có năng lực thực hiện dự án…”.

Tạm dừng thu phí được không?

Theo ước tính và căn cứ vào lưu lượng xe, tổng số tiền mà dự án BOT quốc lộ 51 thu được thông qua 3 trạm thu phí đặt trên quốc lộ này là khoảng 1,2 - 1,3 tỉ đồng/ngày bởi đây là trục đường có lưu lượng giao thông đông đúc. Ông Chu Văn Thanh - Phó TGĐ Cty CP phát triển đường cao tốc Biên hòa - Vũng Tàu - thừa nhận là khoản góp vốn chỉ là hơn 100 tỉ đồng, số còn thiếu (khoảng 300 tỉ đồng) sẽ bù đắp bằng nguồn… doanh thu thu phí và những nguồn khác.

Ông Thanh cũng cho rằng: “Công trình đã thu phí 4 năm nhưng đến nay công tác quyết toán còn chậm, dự án còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Hiện Cty CP phát triển đường cao tốc Biên hòa - Vũng Tàu đang hoàn thành thủ tục để cố gắng quyết toán vào tháng 5.2016”. Thế thì ai cho phép dự án tính thời gian thu phí chỉ dựa trên khái toán, cụ thể là tổng mức đầu tư ghi trong hợp đồng? Hơn nữa, Bộ GTVT đã có quy định những dự án BOT nào chưa hoàn thành thanh quyết toán, chưa có hồ sơ kiểm toán thì phải ngừng thu phí.

Một vấn đề khác cần giải quyết, đó là việc hiện tại dự án vẫn đang nợ các nhà thầu khoản tiền lên tới 300 tỉ đồng như thừa nhận của ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc IDICO và khoản nợ này chưa biết khi nào sẽ được thanh toán. Như vậy thực chất khoản đầu tư để làm nên dự án BOT quốc lộ 51 chỉ là ngân hàng, các nhà thầu (đang bị nợ) và chủ phương tiện hàng ngày mất phí. Trong khi đó những nhà đầu tư được cho là sắp thôn tính dự án, thực chất chỉ bỏ ra một khoản rất nhỏ so với khoản đáng lẽ phải góp vốn.

Thiệt hại sẽ là lâu dài và gánh chịu hậu quả sẽ là nguồn vốn của Nhà nước và khoản phí mà người dân phải trả cho dự án còn nhiều uẩn khúc này.

Theo Phương Lâm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên