MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chung cư cũ ở Hà Nội: Dân sống trong sợ hãi!

26-02-2016 - 09:51 AM | Bất động sản

Hôm nay (26.2) - đã quá thời hạn 6 ngày, 2 chung cư cũ nát trên địa bàn quận Ba Đình (G6a Thành Công và nhà A Ngọc Khánh) vẫn không hoàn thành báo cáo kế hoạch di dời khẩn cấp theo yêu cầu của thành phố.

Trước đó, TP.Hà Nội đã công bố danh sách 42 khu chung cư cũ xuống cấp gây nguy hiểm phải di dời khẩn cấp (trong đó có 2 chung cư kể trên).

Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn lúng túng chưa xác định được mốc thời gian di dời. Còn tỉ lệ đạt được trong việc cải tạo chung cư cũ thì tới nay mới đạt được... 1% (!).

Di dời khẩn cấp là khi nào?

Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình cần bố trí nhà tạm cư và khẩn trương có phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại 2 khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn, báo cáo kết quả lên UBND TP trước ngày 20.2.2016. Hai chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng nói trên là khu nhà G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh. Đây là hai tòa nhà chung cư cũ được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình.

Tầng nào của khu nhà A Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phải gia cố thêm sắt chống đỡ tạm. Ảnh: KỲ ANH - HẢI NGUYỄN
Tầng nào của khu nhà A Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phải gia cố thêm sắt chống đỡ tạm. Ảnh: KỲ ANH - HẢI NGUYỄN

Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động chiều 25.2, ông Nguyễn Đức Tích - Tổ trưởng tổ dân phố số 27 phường Ngọc Khánh cho biết, mới nhận được thông báo từ phường Ngọc Khánh về nội dung các hộ dân tự tháo dỡ các phần cơi nới, còn riêng việc di dời thì không thấy nhắc tới. “Việc di dời là việc lớn. Đến nay phường vẫn chưa họp dân.

Tuy nhiên, nguyện vọng đa số vẫn là không muốn di dời gây đảo lộn cuộc sống”. Còn theo ông Nguyễn Xuân Tiêu sống tại khu chung cư nguy hiểm G6A Thành Công (là Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư 12), hiện ông mới chỉ nhận được thông báo tháo dỡ các phần diện tích cơi nới, vẫn chưa đề cập việc di dời.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại đã thông báo đến các tổ dân phố, vận động người dân di dời, một số đồng thuận, một số thì chưa. Ông Bình nói: “Hiện quận vẫn tiếp tục tuyên truyền để người dân ủng hộ việc di dời khỏi các chung cư nguy hiểm”. Khi được hỏi thời điểm di dời dân ra khỏi chung cư nguy hiểm thì Chủ tịch UBND quận Ba Đình không đưa ra mốc thời gian cụ thể, mà chỉ nói vẫn đang triển khai.

Dân mất niềm tin

Thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, 4 quận nội thành cũ có 935 nhà chung cư cũ, còn lại phân bố rải rác 8 quận còn lại và các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung bêtông cốt thép, còn lại các kết cấu khác. Tuy nhiên đã hơn 10 năm kể từ khi nghị quyết cải tạo chung cư cũ được ban hành đến nay mới chỉ có khoảng 14 chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa, con số chiếm chưa đến 1% trong tổng số chung cư cũ.

14 hộ gia đình (hơn 30 nhân khẩu) tại tầng 4 nhà A2 Giảng Võ nhưng chỉ có 6 buồng vệ sinh. Chung cư A2 do Trung Quốc xây dựng từ năm 1961, nằm trong số 39 chung cư (khoảng 100 đơn nguyên) xếp hạng C về mức độ nguy hiểm.
14 hộ gia đình (hơn 30 nhân khẩu) tại tầng 4 nhà A2 Giảng Võ nhưng chỉ có 6 buồng vệ sinh. Chung cư A2 do Trung Quốc xây dựng từ năm 1961, nằm trong số 39 chung cư (khoảng 100 đơn nguyên) xếp hạng C về mức độ nguy hiểm.

Được hỏi về chuyện di dời để cải tạo xây mới chung cư cũ, bà Lê Thị Thanh - Tổ trưởng tổ dân phố khu tập thể A1, A2 Giảng Võ cho biết, cách đây 6-7 năm đã từng có chủ đầu tư đến gặp gỡ các hộ gia đình, làm điều tra xã hội học và đã có định hướng di dời tái định cư. Sau đó, đến năm 2010 có sự thay đổi về vấn đề cao tầng ở nhà chung cư, khu tập thể này cũng chưa được duyệt thiết kế nên chủ đầu tư cũng rút lui. Còn ông Nguyễn Xuân Tiêu- cư dân G6A Thành Công thì nói rằng, gần như đa số người dân sống tại chung cư G6A Thành Công sẽ không đồng tình di dời.

“TP bảo sẽ xây nhà tạm cư nhưng nhà tạm cư ở đâu? Nếu nơi tạm cư mà vắng vẻ, xa trung tâm thì người dân không bao giờ đồng ý di dời. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Cty TNHH quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn cho rằng, Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực vào ngày 10.12.2015 đã mở lại đường cho các chủ đầu tư vào xây mới chung cư cũ sau một thời gian dài Thủ tướng cấm xây nhà cao tầng trong 4 quận nội đô Hà Nội. Ông Sơn cho biết, quy định mới này có rất nhiều ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng, song vướng mắc lớn nhất là người dân không đồng thuận.

“Để giải quyết vấn đề nan giải nhất của việc cải tạo chung cư, TP. Hà Nội phải đưa ra quy định rõ ràng. Theo tôi nếu 70% người dân đồng thuận cải tạo xây mới thì có thể cưỡng chế những hộ dân còn lại để cải tạo, xây mới”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, sở sắp tới sẽ xây dựng ban hành quy định về các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thủ đô để đẩy nhanh tiến độ cải tạo xây dựng chung cư cũ. “Trước mắt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ, trình TP kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết. Và cứ “sắp” và “sẽ” như vậy, quả thật, người dân sống ở chung cư cũ nát không biết đến khi nào mới có được nơi trú ẩn an toàn!

Chính quyền nói gì?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh khẳng định: “Chúng tôi đã xây dựng các phương án trong tình huống xấu nhất xảy ra, dự kiến của chúng tôi là sẽ di chuyển dân đến 3 điểm, thứ nhất là nhà văn hóa số 9, đây là khu mới xây dựng, 3 tầng, mỗi tầng 130 mét. Thứ hai là nhà văn hóa số 7, thứ ba là khu thể chất của Trường THCS Phan Chu Trinh, đảm bảo đầy đủ chỗ ở cho người dân trong tình huống di dời khẩn cấp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Toản - Chủ tịch UBND phường Thành Công khẳng định: “Chính sách tạm cư và tái định cư đã được UBND thành phố ban hành tại Quyết định 48. Về phía người dân còn những lo ngại về việc liệu mình có được quay về địa chỉ cũ mình ở hay không thì điều này còn do quyết định của thành phố, các cấp có thẩm quyền. Hiện nay toàn bộ nhà G6A đã được các hộ dân mua lại theo Nghị định 61 của Chính phủ thì việc tái định cư trở lại là việc đương nhiên”.

Nguyễn Hà

Theo Thông Chí - Trà Giang

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên