MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia hiến kế mô hình thích hợp phát triển nhà ở xã hội

18-12-2015 - 13:46 PM | Bất động sản

Theo ý kiến từ một vài chuyên gia kinh tế tư duy phát triển nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam hiện chưa linh hoạt, vẫn chủ yếu lấy tư duy làm nhà của người giàu làm cho người nghèo.

Tóm tắt

Chương trình phát triển nhà ở xã hội đã có hàng chục năm nay, nhưng đến nay kết quả không mấy khả quan. Người dân có mức thu nhập thấp đang chiếm đại bộ phận dân số, là những đối tượng không có khả năng mua nhà, dù là nhà giá rẻ.


Ông Nguyễn Hồng Hải, Kiến trúc sư trưởng của Công ty Becamex IDC (Bình Dương), góp ý cần phải hiểu nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp và điều kiện của từng địa phương để đặt ra kế hoạch làm NOXH một cách phù hợp và hiệu quả.

Theo kế hoạch phát triển về nhà ở giai đoạn 2011-2015, cả nước sẽ phát triển được khoảng 10 triệu m² nhà ở, tương đương với khoảng 200 ngàn căn nhà có diện tích trung bình khoảng 50 m²/căn. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả thực hiện đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% kế hoạch với khoảng 38 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với khoảng 19.680 căn và 64 dự án nhà xã hội cho công nhân với khoảng 20.270 căn. 

Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, người nhập cư ngày một tăng cao tại thành phố, nhưng hiện tại 88% nhà ở cho sinh viên, công nhân là do người dân đầu tư xây dựng. Phần lớn các khu nhà ở này không đảm bảo về an ninh và cũng không có các tiện ích đảm bảo chất lượng cuộc sống cho các đối tượng này. Thời gian gần đây, một số chủ đầu tư cũng đã tham gia vào lĩnh vực này như Nam Long, Hoàng Quân, Lê Thành...

Ông Châu chỉ ra rằng chúng ta cần có sự thay đổi trong các chính sách về nhà ở xã hội.Theo đó, nhà ở xã hội cần thực hiện tại từng quận, huyện và cần thành lập các cụm nhà ở xã hội tại các quận huyện có điều kiện về quỹ đất, cơ sở hạ tầng. Nhà ở xã hội chỉ nên tập trung vào hai loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội cho thuê, mua (trả góp). Các chính sách về nhà ở xã hội cũng cần thông thoáng hơn và tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội.

Còn ông Hải chia sẻ, tại Bình Dương, mặc dù nhu cầu nhà ở của những người lao động nhập cư là rất lớn, nhưng thời gian đầu khi xây dựng nhà ở xã hội cũng không có người vào ở. “Đi sâu vào nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, nhà ở xã hội thường được thực hiện bởi những người giàu, họ lấy tư duy của người giàu để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp nên họ không hiểu được nhu cầu, mong muốn phù hợp với người ở nên dẫn đến thất bại”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết, với quan niệm xây dựng căn hộ phải có phòng khách, nhà bếp, ban công… theo khuôn mẫu thì lại đẩy cao chi phí, tăng giá bán nhưng lại không phù hợp với nếp sinh hoạt của người thu nhập thấp. "Do đó, chúng ta phải tạo ra một căn hộ dù có diện tích rất nhỏ nhưng lại không bó buộc không gian, người dân có thể thoải mái sinh hoạt mà không bị ràng buộc", ông nói.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, cách làm hiệu quả của Việt Nam đó là cho phép phân lô diện tích nhỏ, nhờ đó người dân có điều kiện cân nhắc giữa vị trí và diện tích sử dụng (trong nhiều trường hợp diện tích sử dụng chỉ 25m2). Có chính sách cho phép tăng diện tích sàn, từ đó cũng tăng diện tích sử dụng mà không cần tăng diện tích đất. Sáp nhập và tăng mật độ các làng ven đô vào khu vực đô thị. Đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng chính tiếp cận các khu nông thôn đô thị hóa. Sử dụng chủ động các đơn vị xây dựng hay nhà thầu nhỏ, tự doanh hiệu quả, chi phí hoạt động thấp.

Về quy định dự án phải dành 20% diện tích cho nhà ở xã hội, tiến sĩ Du cho rằng, cần có sự can thiệp của Nhà nước để hài hòa các tầng lớp cư dân cùng sinh sống trong một khu vực. Nếu cứ để thị trường phát triển tự nhiên dần dần sẽ tạo ra sự phân cực trong xã hội từ đó xuất hiện nhiều hệ lụy.

"Tôi nghĩ là không nên xây một khu riêng cho người nghèo, người giàu ra một góc. Thực tế ở Việt Nam nếu tách riêng ra theo thị trường tự nhiên sẽ tách ra. Theo tôi cần có chính sách can thiệp của nhà nước để nó hài hòa các tầng lớp dân cư", TS. Du góp ý thêm.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là việc làm của Nhà nước. Nếu Nhà nước không thực hiện được thì nên giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện và không can thiệp sâu vào mà để phát triển theo cơ chế thị trường.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên