MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty CII tiết lộ lý do thương vụ thâu tóm Năm Bảy Bảy diễn ra chậm

14-03-2016 - 17:02 PM | Bất động sản

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết tiến độ đàm phán thương vụ này có khả năng chậm hơn kế hoạch tái cấu trúc của CII đã đề ra.

Thông tin công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) thành lập CII Land thông qua việc thâu tóm công ty Năm Bảy Bảy (mã NBB) đã có kế hoạch từ tháng 7/2015. Theo dự kiến, CII sẽ đàm phán với NBB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 45% vào cuối năm 2015, đến tháng 6/2016 sẽ sở hữu 51%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, CII mới chỉ nắm giữ 24,92% vốn điều lệ NBB.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết tiến độ đàm phán thương vụ này có khả năng chậm hơn kế hoạch tái cấu trúc của CII đã đề ra.

Một trong những lý do làm chậm tiến trình này là: nhóm cổ đông nhà đầu tư nước ngoài của NBB chưa đồng thuận với những đề xuất M&A do CII đưa ra. Mặc dù, CII đã đưa ra mức giá M&A là 27.200 đồng/cp, tức cao hơn thị trường đến 30%, tuy nhiên nhóm nhà đầu tư của đối tác không đồng thuận.

Cũng theo ý giải của ông Bình, ngoài mức giá trên, CII cũng kèm theo một số điều kiện trong phương án M&A, chẳng hạn như tiền của CII một khi đã đầu tư vào NBB phải được “rót” vào đầu tư các dự án do CII chỉ định. “Chứ nếu họ thu tiền về rồi lại bỏ vô ngân hàng thì quỹ đất mãi vẫn là đất, tiền này phải phát triển tối đa quỹ đất hiện hữu để tạo ra doanh thu, lợi nhuận”, ông Bình nói.

Hoặc một điều kiện khác là các dự án của NBB phải đầy đủ hồ sơ pháp lý thì lúc đấy CII mới đổ tiền vào. Mục tiêu là khi đổ tiền vào để triển khai đầu tư ngay dự án chứ tiền không thể nằm chết trong tài khoản tiền gửi.

"Dự kiến đến giữa năm 2017 hoặc cuối năm 2017, việc thâu tóm NBB mới có thể có kết quả", ông Bình khẳng định trước các cổ đông.

Hiện tại, CII đang có 3 dự án bất động sản có khả năng sinh "vàng" trong giai đoạn 2016-2018. Doanh nghiệp này đặt kỳ vọng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của lĩnh vực BĐS trong 3 năm tới đứng hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh. Theo đó, năm 2016 lợi nhuận dự kiến đạt 1,081 tỷ đồng (BĐS chiếm 27%); năm 2017 đạt 1.279 tỷ đồng (BĐS chiếm 53%); và năm 2018 đạt 1.678 tỷ đồng (BĐS mang về 49%).

Đáng chú ý nhất là dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (Thu Thiem New Urban Township) tại Quận 2, Tp.HCM. Theo CII giới thiệu, dự án Thủ Thiêm được chính quyền Tp.HCM chấp thuận cho CII đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu 3 và 4, đổi lại CII được chấp thuận đầu tư 7 lô đất nhà ở ven sông trong khu 3, 4 và 6. Tổng diện tích dự án Thủ Thiêm CII được đầu tư là 51.176m2 (5,1ha) với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD.

Dự án BĐS thứ 2 là dự án Tổ hợp văn phòng (CII Office Building) tại số 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Tp.HCM đầu tư theo hình Thức BOT. Theo CII, lãnh đạo Tp.HCM đã chấp thuận cho CII chuyển đổi mục đích dự án từ tòa nhà văn phòng thành tổ hợp văn phòng và nhà ở. Dự án là tổ hợp công trình được xây dựng trên lô đất 5.848m2 gồm 2 block cao 27 tầng. Tổng vốn đầu tư khoảng 59,6 triệu USD, dự kiến trong quý 2/2016 sẽ khởi công..

Dự án BĐS thứ 3 mà đại diện CII tiết lộ là dự án Diamond Riverside với quy mô 4,15ha gồm 2 tòa nhà căn hộ, khu vui chơi giải trí, khu thương mại và trường học,…Dự án được xây dựng tại quận 8, Tp.HCM với tổng mức đầu tư 92 triệu USD. Hiện dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.980 tỷ đồng.

“CII Land sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng trong mô hình hoạt động của CII sau tái cấu trúc, gồm Hạ tầng nước SII, Xây dựng Hạ tầng CII (CII E&C), cầu đường CII B&R”, ông Bình trả lời các cổ đông.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên