MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cuộc chiến” săn quỹ đất tại TPHCM: IPO tạo sóng cho bất động sản

09-12-2015 - 08:43 AM | Bất động sản

Trong năm 2015, thị trường BĐS Tp.HCM đã chứng kiến những cú sốc từ việc một số “ông lớn” địa ốc liên tục gom cổ phiếu của các công ty có quỹ đất sạch lớn nhằm nắm phần thắng trong cuộc cạnh tranh mới.

Tóm tắt

Thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào chu kỳ bùng nổ, nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô và những chính sách riêng cho thị trường, từ đó hoạt động mua bán - sáp nhập, thâu tóm đang diễn ra rất quyết liệt. Trong năm 2015, thị trường đang chứng kiến những cuộc săn quỹ đất sạch sau từng đợt IPO của nhiều "ông lớn" trong ngành.

Trong dài hạn, các doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn nằm tại các vị trí gần trung tâm thành phố, đặc biệt là tập trung tại các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và metro ở Tp. HCM; Các KCN nằm tại các vị trí thuận lợi như gần cảng biển, sân bay sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư BĐS. 


Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư của Công ty TNHH Savills Việt Nam, cho biết năm 2015 đã chứng kiến một cuộc “lột xác” thực sự của doanh nghiệp ngành BĐS, trong đó hoạt động mua bán – sáp nhập, nâng sở hữu cổ phần ở nhiều công ty ngoài ngành thay đổi liên tục.

“Trong năm nay, chúng tôi cũng đã làm trung gian cho nhiều cuộc mua bán dự án quy mô lớn. Điều này cho thấy thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào một quá trình cạnh tranh và sàng lọc lớn”, ông Khương nói.

Một trong những thương vụ lớn trong năm là tập đoàn Nhà Khang Điền (KDH) chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp mua vào cổ phiếu của công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI). Từ đó, dẫn đến việc hiện KDH đã sở hữu trên 57% cổ phần của BCI, tức chiến lược biến BCI thành công ty thành viên của KDH đã diễn ra một cách nhanh hơn mọi người kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Thành viên HĐQT tập đoàn Khang Điền, thừa nhận việc đầu tư vào công ty BCI là một quá trình hợp tác dài hơi, dựa trên lợi thế một bên có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, còn một bên có quỹ đất tốt. “Chuyện hơp tác này có nhiều người cho rằng KDH đang muốn “thôn tính” hay “thâu tóm” BCI, nhưng chúng ta cần phải xem đây là một hình thức công ty mẹ - con”, ông Bảo nói.

Được biết, trước đây KDH đã mua lại một số dự án lớn tại quận 9 như Lucasta, Melosa… và hiện đang có chiến lược chuyển hướng đầu tư về khu Tây Nam của Tp.HCM. Ngoài ra, theo lý giải của ông Bảo, thay vì mua dự án như vậy, chiến lược của KDH là mua luôn cổ phần hoặc công ty để xây dựng chiến lược hoạt động tốt hơn.

Đối với bất kỳ một doanh nghiệp địa ốc nào, chi phí thực hiện thủ tục dự án không thể dự báo được, bởi thay đổi theo thời gian hoàn thiện nhanh hay chậm. Do đó, các dự án hay quỹ đất đã thực hiện xong công tác đền bù giải tỏa, thủ tục xây dựng, hoàn tất các nghĩa vụ đóng thuế… luôn “lọt” vào tầm ngắm của những "ông lớn".

Mới đây nhất, phiên IPO diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, kết quả là đã có 17 nhà đầu tư (3 tổ chức và 14 cá nhân) mua hết gần 11 triệu cổ phiếu chỉ trong buổi sáng chào bán, công ty In Trần Phú (Tp.HCM) thu về gần 112 tỷ. Sau đợt IPO này, đáng chú ý là cổ đông chiến lược nắm giữ 38,69% cổ phần In Trần Phú là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Phú Cường.

Như vậy, có thể thấy những dự án BĐS mà In Trần Phú triển khai thời gian tới đã có đối tác chiến lược cùng một số đối tác khác. Hiện tại, 6 khu đất vàng mà In Trần Phú đang quản lý đều có  vị trí “vàng” ở quận trung tâm, nằm ở những giao lộ của một vài tuyến đường lớn. Trong năm 2016, sẽ có 3 khu đất “vàng” trong số này sẽ được các đối tác và cổ đông đầu tư phát triển thành các trung tâm thương mại quy mô lớn.

Còn nhớ, tại phiên bán đấu giá 288.000 cổ phần của tổng công ty Thương mại Sài Gòn – MTV (Satra) diễn ra từ cuối tháng 7/2015 đã giúp doanh nghiệp này mang về hơn 29 tỷ đồng và thoái toàn bộ vốn khỏi công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Quận 8 (BIDEXIM). Được biết, BIDEXIM đang có một số khu đất “vàng” tại quận 8, đặc biệt là khu đất rộng hơn 7.000m2 tại số 175 Phạm Hùng, nhưng vẫn chưa triển khai dự án. Do vậy, hiện có nhiều doanh nghiệp BĐS đang “nhòm ngó” các đợt IPO của BIDEXIM.

Nói về cuộc IPO này, một doanh nghiệp BĐS lớn tại Tp.HCM cho biết: “Hiện toàn bộ cổ phần của Satra đã được một công ty chuyên đầu tư các dự án bệnh viện trên địa bàn nắm giữ. Mặc dù biết rằng khu đất 175 Phạm Hùng đang bị đề nghị UBND Tp.HCM thu hồi do lâu năm không triển khai dự án nhưng chúng tôi vẫn muốn tham gia IPO do đây là một khu đất đẹp, nằm ngay trung tâm của quận. Nhưng thật tiếc là chúng tôi đã không thắng được”.

Đặc biệt, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cũng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại, trong đó có các nhà đầu tư từ Nhật Bản. Ngoài thành công trong mảng lữ hành, doanh nghiệp này còn đang nắm giữ hàng chục khu nghỉ dưỡng, lưu trú tại trung tâm Tp.HCM và nhiều điểm du lịch trong cả nước.

Theo thông tin chúng tôi có được, Saigontourist cũng đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi công ty CP Địa ốc M&C – chủ đầu tư dự án cao ốc M&C tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1. Như vậy, trong đợt IPO dự kiến diễn ra vào năm tới được đánh giá là mộc cuộc “so găng” của nhiều ông lớn BĐS khi muốn sở hữu một phần đất vàng tại Tp.HCM.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Phòng Nghiên cứu – Phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (VietinBankSC), cho biết thêm ngành BĐS đang ở trong giai đoạn phục hồi đáng ghi nhận, qua đó có tác động nhất định lên diễn biến giá cổ phiếu ngành BĐS. Trong dài hạn, các doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn nằm tại các vị trí gần trung tâm thành phố, đặc biệt là tập trung tại các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và metro ở Tp. HCM; Các KCN nằm tại các vị trí thuận lợi như gần cảng biển, sân bay sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư BĐS.

 

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên