MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dân than tiền sử dụng đất quá cao

11-04-2015 - 09:03 AM | Bất động sản

Không chỉ bảng giá đất tăng mà cách tính tiền sử dụng đất cũng thay đổi theo hướng khó khăn hơn cho người nộp.

Bảng giá đất ở có nơi tăng hơn ba lần, nhiều quy định có lợi cho người nộp thay đổi nên tiền sử dụng đất (SDĐ) tăng chóng mặt, dân than không đóng nổi - đó là thực trạng đang xảy ra tại TP.HCM.

Cách bốn tháng, tăng thêm cả tỉ đồng

Sau mấy năm trời vất vả, đầu năm 2015 bà LNK mới hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận cho căn nhà trên đường Nguyễn Cửu Phú, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Có điều giờ đây bà K. lại lao đao với tiền SDĐ. Cán bộ Chi cục Thuế quận Bình Tân cho hay trường hợp của bà vượt hạn mức đất ở nên chưa nộp được tiền SDĐ do TP đang sửa hệ số điều chỉnh tiền SDĐ (gọi tắt là hệ số K). Vấn đề khiến bà K. sững sờ là số tiền SDĐ ước tính phải nộp.

Nếu căn cứ bảng giá đất năm 2014 và hệ số K theo Quyết định 18/2013 của UBND TP.HCM, bà K. phải nộp khoảng 610 triệu đồng cho khu đất 915 m2. Tuy nhiên, cán bộ thuế cho biết bà K. sẽ phải nộp tiền SDĐ theo bảng giá đất mới do TP ban hành tại Quyết định 51/2014. Chưa áp dụng hệ số K cho phần vượt hạn mức đất ở thì tiền SDĐ đã tăng hơn gấp đôi với gần 1,3 tỉ đồng. Còn nếu áp thêm hệ số K là 1,05 lần như đề xuất của Sở Tài chính thì tiền SDĐ bà K. phải nộp lên tới khoảng 1,6 tỉ đồng. “Tôi quá bất ngờ vì tiền SDĐ tăng đột biến như vậy, làm sao đóng cho nổi” - bà K. than thở.

Ông Phạm Hiền Thanh (quận Thủ Đức) cũng bị sốc trước tốc độ tăng của tiền SDĐ. “Các cơ quan nói rằng chỉ tăng trung bình 1,6 lần so với năm rồi nhưng thực tế nhà tôi tăng gấp ba lần!” - ông bày tỏ. Căn nhà của ông trước đây theo Quyết định 60/2013 của TP được tính theo đường số 24, phường Linh Đông (do chưa có tên), giá đất ở tính bằng một nửa giá đất ở đường 24, vị chi là 850.000 đồng/m2. Đến Quyết định 51/2014, đường được đặt tên thành đường số 22 với giá đất ở là 4,5 triệu đồng. “Chỉ cách mấy tháng mà giá đất ở tăng gần bốn lần kéo theo tiền SDĐ tăng tương tự” - ông Thanh than thở.

đường số 5, Hiệp Bình Chánh theo Quyết định 51 của TP hiện nay có giá đất ở là 6,6 triệu đồng/m2. Nhưng vào năm 2014 đường này chưa có tên, được tính theo quốc lộ 13 và giá đất ở là 2 triệu đồng/m2. “Hạ tầng không có gì khác, chỉ có cho tên đường là giá đất ở tăng hơn ba lần so với năm cũ” - ông Thanh cho hay.

Nhà nhiều hẻm thiệt nặng

Ông Nguyễn Kim Quới, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Tân, nhìn nhận tiền SDĐ năm 2015 tăng so với năm 2014. Lý do đầu tiên là vì bảng giá đất ở năm 2015 tăng để phù hợp Nghị định 104/2014 về khung giá đất (theo đó, giá đất ở thấp nhất 1,5 triệu đồng). “Giá đất ở tại các vị trí mặt tiền cũng phải thiết kế làm sao để các vị trí hẻm còn lại không thấp hơn 1,5 triệu đồng” - ông Nguyễn Như Bình, Trưởng phòng Kinh tế đất Sở TN&MT, từng giải thích.

Theo lãnh đạo một sở liên quan, không chỉ bảng giá đất mà cách tính tiền SDĐ cũng thay đổi theo hướng khó khăn hơn cho người nộp. Trước đây tiền SDĐ được tính theo bảng giá đất tại thời điểm người dân nộp đủ hồ sơ hợp lệ (ví dụ nộp năm 2014 thì được tính theo bảng giá đất năm 2014). Tuy nhiên, Điều 108 Luật Đất đai 2013 quy định thời điểm tính thu tiền SDĐ là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích, công nhận quyền SDĐ.

“Có những trường hợp trễ do cơ quan nhà nước bắt người dân bổ túc hồ sơ nhiều lần, giải quyết chậm nhưng theo quy định mới thì người dân phải nộp tiền sử dụng tại thời điểm được công nhận, được chuyển mục đích. Dù người dân nộp hồ sơ năm 2014 nhưng đến năm 2015 mới được giải quyết thì họ phải nộp tiền SDĐ theo năm 2015 trong khi bảng giá đất ở tăng cao. Như vậy thiệt thòi cho người dân” - ông bày tỏ.

Lãnh đạo một chi cục thuế cho hay Quyết định 51 đã bỏ nhiều quy định có lợi cho người nộp thuế, nhất là nhà trong hẻm. Theo Quyết định 60, giá đất ở cho vị trí hẻm căn cứ vào kết cấu, chiều rộng và độ sâu của hẻm. Nhà càng vào sâu, qua nhiều hẻm thì giá đất ở càng giảm; hẻm đất có giá khác hẻm xi măng. Tại Quyết định 60 có tới ba cấp hẻm và bốn vị trí để tính tiền SDĐ. đến Quyết định 51 thì chỉ còn bốn vị trí hẻm, bỏ yếu tố kết cấu hẻm. Cả bốn vị trí chỉ được giảm thêm 10% nếu cách mặt tiền đường 100 m trở lên.

“Theo Quyết định 51 thì nhà một hẻm và nhà ngoằn ngoèo nhiều hẻm là như nhau thay vì cứ qua mỗi hẻm thì giá mỗi giảm như Quyết định 60. Ai cũng biết về giá thị trường thì nhà càng vào sâu qua nhiều hẻm, đường đất thấp hơn nhiều so với nhà gần mặt tiền hẻm bê tông. Vậy mà hai lô này giờ bằng nhau khi tính tiền SDĐ là quá bất hợp lý” - ông góp ý.

Bảng giá đất ở tăng thì hệ số K phải thấp để đỡ cho dân

Theo lãnh đạo một sở, Nghị định 104 yêu cầu giá đất ở không thấp hơn 1,5 triệu đồng bất kể vị trí nào nên TP phải điều chỉnh bảng giá đất, dẫn tới tiền SDĐ tăng cao. Khi bảng giá đất ở không thể trái Nghị định 104 thì yếu tố còn lại là hệ số K phải hợp lý để đỡ gánh nặng cho dân. Đây là điều TP có thể thực hiện bởi hệ số K là do TP ban hành. Mục tiêu cao nhất là tránh gây xáo trộn quá lớn, tạo điều kiện cho dân được cấp giấy, chuyển mục đích SDĐ.

Theo CẨM TÚ

PV

Pháp Luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên