MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đấu thầu các khu đất vàng TPHCM: Nhà đầu tư chưa mặn mà!

13-08-2015 - 09:37 AM | Bất động sản

Tp.HCM từ lâu đã có chủ trương đấu thầu các khu đất “vàng” tại những vị trí đắc địa ngay trung tâm nhằm chọn nhà đầu tư phát triển khu phức hợp thương mại cao cấp. Tuy nhiên, kết quả đến nay rất ít nhà đầu tư tham gia.

Tóm tắt

- Một số chuyên gia lại cho rằng gần 10 năm qua nhưng thành phố chỉ đấu thầu được có 3 khu đất vàng là không hiệu quả, chưa mang lại nguồn thu thông qua đấu thầu cao cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các khu đất vàng trên nhìn lại cũng chỉ là những nhà thầu trong nước, chứ chưa có các tập đoàn nước ngoài.

- Về phía các nhà đầu tư, khi được hỏi vì sao vẫn chưa thấy hấp dẫn đối với việc đấu thầu này, nhiều ý kiến cho rằng tất cả các dự án đầu tư hạ tầng nói chung vấp phải khó khăn lớn nhất là đền bù giải tỏa. 


Nhiều dự án xin trả lại

Tính đến nay, trong số 20 khu đất vàng được Tp.HCM chọn đưa ra đấu thầu, chỉ có 3 khu đã có nhà đầu tư, tuy nhiên cũng chỉ thông qua hình thức “chọn mặt gửi vàng” . Cụ thể là khu đất 66-68-70 đường Lê Thánh Tôn (Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM), khu Eden (giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ) và khu 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai. Bên cạnh 3 khu này, còn khoảng 5 khu nữa đang trong quá trình triển xây dựng kế hoạch đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng gần 10 năm qua nhưng thành phố chỉ đấu thầu được có 3 khu đất vàng là không hiệu quả, chưa mang lại nguồn thu thông qua đấu thầu cao cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các khu đất vàng trên nhìn lại cũng chỉ là những nhà thầu trong nước, chứ chưa có các tập đoàn nước ngoài.

Mới đây nhất, liên danh Hongkong Land và Sumitomo & Development  đã xin trả lại dự án có số vốn đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng tại khu đất vàng số 164 Đồng Khởi (quận 1) mà trước đó đã được chỉ định làm nhà đầu tư. UBND TP HCM đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xin rút khỏi dự án tại khu đất trên.

Trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương - Indochina Group cũng đã xin trả lại dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư  quận 1. Một khu đất vàng khác nằm tại công viên Tao Đàn (quận 1) đã được thành phố quy hoạch phát triển bãi đậu xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại từ lâu cũng đã được một nhà đầu tư xin trả lại do không đủ khả năng tài chính thực hiện. Tp.HCM cũng đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để tiếp tục đấu thầu chọn nhà đầu tư mới vào khu đất vàng này.

Theo đó, nguyên nhân chính của việc triển khai đấu thầu các khu đất vàng chậm do nhà đầu tư vẫn chưa thấy hào hứng tham gia vì nguồn vốn bỏ ra cho giai đoạn đền bù giải tỏa các hộ dân ngay khu vực trung tâm này là quá lớn.

Một lý do khác, thời gian qua đã có một số nhà đầu tư xin trả lại dự án đất vàng đã thắng thầu từ nhiều năm trước, bởi vì họ đánh giá và thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trên thị trường BĐS sẽ không cho họ được con số như kỳ vọng. Mặt khác, giá BĐS ở TPHCM và Hà Nội hiện nay đã rất cao, thuộc loại cao nhất thế giới thì việc nhà đầu tư luôn tỉnh táo, tính toán làm thế nào đạt được yêu cầu của họ. Việc họ trả lại dự án, tôi nghĩ cũng là điều bình thường.

Nhiêu khê thủ tục

Về phía các nhà đầu tư, khi được hỏi vì sao vẫn chưa thấy hấp dẫn đối với việc đấu thầu này, nhiều ý kiến cho rằng tất cả các dự án đầu tư hạ tầng nói chung vấp phải khó khăn lớn nhất là đền bù giải tỏa. Những khu đất được gọi là “vàng” hiện nay trong trung tâm thành phố càng vô cùng khó thực hiện công tác này vì sẽ mất rất nhiều thời gian để đi đến sự thống nhất trong phương án về giá đền bù, tái định cư.

“Tôi còn được biết có nhiều tập đoàn đầu tư lớn trên thế giới đã bỏ cuộc mặc dù điều kiện tài chính của họ rất cao. Do chúng ta đã đặt ra quá nhiều tiêu chí rườm rà, thủ tục vượt xa khả năng của họ. Còn có những tiêu chí hết sức phức tạp nên có nhiều công ty nước ngoài liên danh với các công ty trong nước để dễ dàng giải quyết các thủ tục này”, một nhà đầu tư (xin được giấu tên), nói.

Đặc biệt, cũng theo vị này các khu đất vàng tại Tp.HCM không phải là rẻ, nhưng sau khi trúng thầu nhà đầu tư không được thực hiện dự án theo ý mình mà buộc phải theo quy hoạch của Tp.HCM. Chẳng hạn, có khu đất vàng đã có nhà thầu muốn xây dựng trung tâm thương mại 20 tầng, nhưng thành phố chỉ cho phép tối đa là 15 tầng. Hay như thành phố cũng có quy định nếu đã trúng thầu dự án nào rồi thì nhà đầu tư không được đầu tư dự án lớn ở một vị trí khác tại Tp.HCM.

Để có thể tạo được hiệu quả kinh tế cho thành phố và lợi nhuận của nhà đầu tư, chính quyền địa phương cần đưa ra những tiêu chí cụ thể và chỉ có một cách hiểu với các nhà đầu tư khi muốn tham gia khai thác các khu đất vàng. Toàn bộ các khu đất vàng phải được công khai trên các phương tiện truyền thông để mọi người, mọi tầng lớp được biết. Càng không khai sẽ càng bớt nhạy cảm.

Song song đó, thành viên trong hội đồng đấu thầu ngoài các sở ban ngành thành phố, cần có sự tham gia của những thành phần khác ở vị trí độc lập, chẳng hạn như những nhà dân tộc học, xã hội học, lịch sử học, kiến trúc, nằm ngoài ban ngành nhà nước.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên