MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư vốn vào hạ tầng giao thông: Các doanh nghiệp nói gì?

12-12-2014 - 18:19 PM | Bất động sản

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi quy mô vốn rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài nhưng tỷ suất lợi nhuận lại khá thấp so với các kênh đầu tư khác.

Sáng nay (ngày 12/12/2014), Bộ Giao thông vận tải  đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông”.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào ngành giao thông. Do đó, việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông được xác định là hết sức quan trọng.

Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia Hội thảo xoay quanh những vướng mắc trong quá trình họ trực tiếp thực hiện:

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (CII): Lợi nhuận tương xứng với rủi ro

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi quy mô vốn rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài (thường trên 15 năm), tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận lại khá thấp so với các kênh đầu tư khác (thông thường chỉ cao hơn lãi suất ngân hàng vài phần trăm). Do đó, sẽ dẫn đến 2 vấn đề:

Thứ nhất, với một khung thời gian rất dài như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều biến động xảy ra, tương ứng với rất nhiều rủi ro mang tính vĩ mô ngoài tầm kiểm soát mà nhà đầu tư không thể đưa ra các biện pháp phòng thủ.

Thứ hai, với tỷ suất lợi nhuận thấp trong khi quy mô vốn đầu tư lớn (các nhà đầu tư thường gọi là khoảng đệm không dày) thì chỉ cần một sai lệch nhỏ trong các giả định và tính toán tiền khả thi so với thực tế hoặc khi rủi ro bất khả kháng xảy ra, lợi nhuận sẽ dễ dàng mất trắng, thậm chí lỗ nặng chứ không chỉ giảm lời như đối với các lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn (khoảng đệm dày hơn).

Do vậy, để bù đắp các khoản rủi ro có thể gặp phải này các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài) luôn mong đợi một tỷ suất nội hoàn khá lớn. Việc này đang đi ngược với quan điểm của số đông các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Từ đó hai bên rất khó thương thảo hợp đồng. Thực tế này đã giải thích lý do vì sao chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia trực tiếp (làm chủ đầu tư) vào các dự án BOT hoàn vốn bằng thu phí giao thông.

Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco (HUT): Thời gian vay vốn tín dụng quá ngắn so với thực tế

Gần đây chúng tôi thực hiện đầu tư 3 dự án BOT thành công và đang nghiên cứu một vài dự án nữa. Tuy nhiên,phương án tài chính của các dự án thì nhà nước mong muốn chúng tôi đầu tư lớn với thời gian thu phí dài nhưng ngân hàng thì ngược lại, cho vay vốn với thời hạn  ngắn hơn. Đó đó, cần có thủ tục hoặc cơ chế chính sách để giải quyết vấn đề này.

Các dự án ở mức 2.000-3.000 tỷ thì phương án tài chính có mức thu 20 năm thì gần như 7 năm đầu doanh nghiệp thu chưa đủ trả lãi vay. Ngân hàng không cho vay lãi nhập gốc mà yêu cầu nhà đầu tư chứng minh vốn của mình. Trong khi đó Nghị định 108 thì chỉ yêu cầu nhà đầu tư với 10-15%. 

Ngân hàng Nhà nước nên cho phép ngân hàng thương mại cho vay trên 20 năm và cho vay lãi nhập gốc; nếu không Bộ GTVT phải điều chỉnh thời gian thu phí dưới 15 năm để giảm tải thời gian ban đầu bị âm vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Tổng giám đốc Cienco4: Nên rút ngắn thời gian về làm thủ tục liên quan

Về giải ngân chủ sở hữu, Bộ GTVT và các Tổ chức tín dụng nên quy định phần vốn chủ sở hữu bỏ ra thì lãi suất không được tính trong quá trình xây dựng.

Bên cạnh đó, cần phải rút ngắn thời gian về thủ tục liên quan để đẩy nhanh tiến độ thu phí; đồng thời đề nghị  các ngân hàng có thể liên doanh liên kết theo thời gian đối với dự án sử dụng ngắn hạn cho đầu tư trung hạn và dài hạn.

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Đèo Cả: Không nên chọn đơn vị cùng TCTD bảo lãnh để tránh độc quyền

Trong quá trình thực hiên dự án, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan thẩm quyền nâng cao vai trò của các nhà bảo lãnh duy trì sự liền mạch; không chọn các đơn vị cùng hệ thống với tổ chức tín dụng để đảm bảo tránh độc quyền khi thực hiện các dịch vụ tài chính cho dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các ngân hàng phải chủ trì xếp hạng doanh nghiệp nhà đầu tư để làm nền tảng lựa chọn ưu tiên doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu hoặc được chỉ định thầu thực hiện dự án.  

Ông Phan Phú - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng)

Với đặc thù là doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty 319 đã thực hiện một số dự án, hiện đang chuẩn bị khánh thành. Với đội ngũ thi công chuyên nghiệp, máy móc đủ nhưng doanh nghiệp nhà nước vốn bị khoác cái áo rất là chật nên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế phù hợp với doanh nghiệp nhà nước để 319 được tham gia góp vốn, có cơ chế đặc thù trong cơ chế chung để đầu tư các dự án.

Khánh Nhi (lược ghi)

hanhle

Tài chính Plus

Trở lên trên