MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chẳng mặn mà rót tiền cải tạo chung cư cũ

18-05-2015 - 08:20 AM | Bất động sản

Các doanh nghiệp bất động sản lý giải có nhiều vấn đề như di dời, đền bù giải tỏa với các hộ dân sinh sống trong chung cư cũ rất khó khăn, do bị khống chế diện tích, chiều cao, số căn hộ... nên nếu không cân đối được bài toán kinh doanh, lợi ích thì các DN không có động lực để tham gia.

Tóm tắt

- Dự thảo Nghị định xây dựng, cải tạo chung cư cũ mới được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới, được cho là “gỡ nút thắt” trong những vướng mắc, khó khăn về quyền lợi, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia.

- Câu chuyện di dời, đền bù cho các hộ dân trong hàng trăm chung cư cũ sắp đổ sụp tại các thành phố lớn hiện nay quả là nhiêu khê. Vì vậy, chính quyền địa phương phải đứng ra thực hiện luôn các công việc đền bù, di dời để giảm thiểu các vụ tranh chấp, khiếu nại.


Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, TP.HCM hiện có hơn 530 chung cư. Song, địa phương này dù rốt ráo triển khai kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nhưng hiện tại cũng mới chỉ có... 38 chung cư cũ được xây dựng lại.

Cũng theo ông Hùng, đến nay thành phố đã hoàn thành tháo dỡ chung cư 148, đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) với diện tích sàn 4.600 m2 , khởi công đầu tư xây dựng dự án chung cư khu B Nguyễn Kim (Quận 10), đưa vào sử dụng chưng cư Tân Phước 3 (Quận 11), bố trí tái định cư tại chỗ cho 437 hộ dân, thực hiện di dời 686 hộ dân và bố trí tái định cư cho 287 hộ dân của các chung cư cũ.

UBND TP. HCM cũng vừa chấp thuận chủ trương giao cho Công ty TNHH Bất động sản Tam Đức làm chủ đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới chung cư tại số 926 đường Võ Văn Kiệt (tên cũ là dự án chung cư 402 Hàm Tử) và dự án cao ốc số 727 đường Trần Hưng Đạo (Quận 5).

Tuy nhiên, để đến khi người dân có thể yên tâm sống trong cảnh khang trang, sạch đẹp của chung cư mới được xây dựng lại tại đây chắc cũng còn phải chờ thời gian khá dài vì theo đề xuất của thành phố, việc bố trí 30% căn hộ của những dự án xây mới chung cư cũ sẽ dùng để phục vụ tái định cư, còn lại 70% quỹ nhà để kinh doanh thu hồi vốn.

Chính vì nguyên nhân này mà hiện nay không ít trường hợp người dân cứ khăng khăng đòi ở lại trong căn hộ cũ nát thay vì nhận đền bù để di dời. Đơn giản vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình gắn liền với địa bàn các quận trung tâm khi cầm một số tiền chuyển về khu tái định cư xa xôi, huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn... gia đình họ sẽ khó duy trì cuộc sống.

Bên cạnh đó, diện tích căn hộ gia đình đang sinh sống khoảng 30 - 40 m2 , nay được yêu cầu bù thêm cả vài trăm triệu để được ở căn hộ tái định cư tại chỗ với diện tích rộng hơn cũng là cả một vấn đề..

Được biết, Dự thảo Nghị định xây dựng, cải tạo chung cư cũ mới được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới, được cho là “gỡ nút thắt” trong những vướng mắc, khó khăn về quyền lợi, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia.

Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh BĐS là chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư theo sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách như nhà nước thực hiện cưỡng chế phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn chủ đầu tư dự án được giao đất thực hiện. Nếu doanh nghiệp BĐS chỉ bỏ vốn hoặc tham gia góp vốn nhà nước sẽ thực hiện đo đạc, xác nhận việc phân định ranh giới đất đai đối với diện tích đất thuộc phạm vi dự án mà không phải thực hiện việc thu hồi đất và giao đất.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cũng được chuyển mục đích sử dụng một phần diện tích đất trong dự án để phục vụ nhu cầu kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cũng như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với toàn bộ phần diện tích được giao trong dự án...

Một số chuyên gia cho rằng, xét về lý thuyết các quyền lợi đưa ra theo chiều hướng thuận lợi hơn, nhưng câu chuyện di dời, đền bù cho các hộ dân trong hàng trăm chung cư cũ sắp đổ sụp tại các thành phố lớn hiện nay quả là nhiêu khê. Vì vậy, chính quyền địa phương phải đứng ra thực hiện luôn các công việc đền bù, di dời để giảm thiểu các vụ tranh chấp, khiếu nại.

“Đây được xem là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, nhưng một khi lợi ích của đôi bên không được giải quyết hài hòa rất dễ dẫn đến sự chậm chạp, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư xây dựng, cải tạo chung cưu cũ”, một nhà đầu tư cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành, Vì vậy, mấu chốt vẫn là làm sao gải quyết được hài hòa các quyền lợi của người dân, chủ đầu tư và chính quyền một cách hợp lý nhất.

“Chính quyền địa phương kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhưng chính sách khuyến khích, hỗ trợ còn quá yếu. Trong đó, chậm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện di dời, tháo dỡ, cải tạo và xây mới các chung cư cũ… làm cho những đồng lời ít ỏi của họ cũng mất đi”, ông Đực nói.

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên