MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Ưu tiên giải quyết các dự án hạ tầng xã hội

16-04-2015 - 08:20 AM | Bất động sản

Ngày 15/4, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội tổ chức giao ban công tác quản lý nhà nước về quy hoạch kiến trúc trên địa bàn với các quận, huyện. Trong đó, tập trung và ưu tiên giải quyết các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Nhiều dự án “chết” cần cởi trói

Ông Bùi Xuân Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, trong quý I/2015, đơn vị đã tổ chức được 23 cuộc họp giao ban với các quận, huyện, thị xã để cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đã giải quyết được 27 nhóm nội dung vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đấu giá đất dịch vụ, tái định cư, công tác phân cấp, thiết kế đô thị, giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, quản lý quy hoạch ngoài đê… Đến nay, Hà Nội đã thông qua 30/33 đồ án quy hoạch chung; 29/35 đồ án quy hoạch phân khu…

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở QHKT cũng thừa nhận, chất lượng đồ án quy hoạch nhiều khi chưa giải quyết thấu đáo mâu thuẫn giữa phát triển và cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu; giữa nhu cầu đầu tư với bảo tồn, gìn giữ các di sản kiến trúc, cảnh quan. Nguồn lực để thực hiện theo quy hoạch còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội... khiến bộ mặt đô thị chưa được khang trang, sạch đẹp.

Các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết còn nhiều vướng mắc như thỏa thuận chỉ giới đường đỏ, cấp giấy phép quy hoạch. Vấn đề cải tạo, chỉnh trang đô thị liên quan đến xử lý công trình siêu mỏng, siêu méo, cải tạo và xây dựng mới các chung cư cũ, thu hồi các dự án chậm triển khai để đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mầm non... chưa được giải quyết triệt để.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng, dù đã lên quận, lên phường hơn 1 năm nay nhưng hệ thống hạ tầng xã hội nhất là các trường học theo chuẩn vẫn còn thiếu. “Trên địa bàn quận có những công trình không chỉ là bộ mặt cho quận mà còn là bộ mặt Thủ đô, của cả nước. Vì vậy kiến nghị Sở QHKT đẩy nhanh quy hoạch phân khu để các nhà đầu tư biết để đầu tư; quy hoạch chi tiết để người dân biết chỗ này được làm cái gì, chỗ kia không được làm. Vì liên quan đến vấn đề quy hoạch, vấn đề điều chỉnh quy hoạch rất nhạy cảm…”, ông Tứ nói.

Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, hiện trên địa bàn quận có nhiều dự án “chết”, không được triển khai. Vì vậy, nên sớm cởi trói cho những dự án đó để tránh lãng phí đất đai như chuyển thành dự án đầu tư công, đầu tư xây dựng các dự án về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Đừng để nhà to không phá, phá nhà nhỏ

Đại diện một số quận, huyện cũng cho rằng, hiện các dự án đầu tư về vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang…, chưa được người dân tại khu vực hiểu rõ và đồng thuận thực hiện. Một số dự án phải điều chỉnh vị trí, khó khăn trong công tác giới thiệu, xác định địa điểm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. “Không chỉ các dự án mà ngay việc quy định cấp sổ đỏ cho đất nhà ở có diện tích nhỏ cũng phải linh hoạt. Ở trên địa bàn nội đô phố cổ có nhà chỉ có diện tích 6m2. Theo tôi phải linh hoạt chứ đừng để nhà to không phá, phá nhà nhỏ gây bức xúc trong dân. Muốn tránh siêu mỏng, siêu méo nhưng cũng phải phù hợp với từng trường hợp cụ thể”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoa kiến nghị.

Trước những ý kiến về công tác quy hoạch hiện nay, đại diện Sở QHKT cho biết hiện đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát về nhu cầu trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác như (trạm xá, nhà văn hóa, chợ, công viên, vườn hoa…) để báo cáo thành phố cho phép triển khai.

Theo lãnh đạo Sở QHKT Hà Nội, trong 9 tháng cuối năm, đơn vị sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh triển khai các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch mạng lưới, hoàn thành các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và các đồ án thiết kế đô thị theo kế hoạch được giao. Trong đó, tập trung và ưu tiên giải quyết các dự án hạ tầng xã hội tại địa phương như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, chợ, cây xanh, vườn hoa…; các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như bãi đỗ xe, điện, đường, thông tin liên lạc…, đảm bảo an sinh xã hội, tạo môi trường về đất đai, cơ sở hạ tầng thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, yên tâm khi lựa chọn đầu tư dự án tại địa phương.

Đến hết quý I/2015 đã giải quyết 60 lượt hồ sơ công văn về các dự án trường học, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, chợ; 70 lượt hồ sơ, công văn về các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, đã tháo gỡ khó khăn và giải quyết trực tiếp gần 40 hồ sơ theo đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về giới thiệu địa điểm, giải quyết quỹ đất đấu giá, tái định cư phục vụ GPMB, đất dịch vụ của các địa phương.

Theo Tú Anh

PV

Tiền Phong

Trở lên trên