MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có chuyện thị trường đóng băng!

29-02-2008 - 09:10 AM | Bất động sản

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng sẽ không có chuyện thị trường bất động sản đóng băng.

Ông đánh giá thế nào về những lời đồn rằng thị trường bất động sản sẽ đi xuống hay "đóng băng"?

Những lời đồn đoán này là không có cơ sở. Việc chính phủ đánh thuế lũy tiến và thắt chặt tín dụng chỉ nhằm mục đích làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn. Đầu tư phát triển bất động sản cần bốn yếu tố đầu vào cơ bản là đất, vốn, vật liệu xây dựng và nhân công. Cả bốn yếu tố này ở Việt Nam hiện nay không hề thiếu. Tức là chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nguồn cung lớn cho bất động sản. Trong khi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cũng rất cao. Tức là nguồn cầu cũng rất lớn. Với cung cầu như vậy thì không có lý gì để nói thị trường sẽ đóng băng hay đi xuống.

Ông lý giải thế nào về sự thiếu cung làm lệch pha cung cầu gây ra cơn sốt giá căn hộ thời gian vừa qua?

Không thể nói cơn sốt giá căn hộ thời gian vừa qua là một biểu hiện tiêu cực. Cần nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng khác. Có hiện tượng giá một số nơi bị đẩy lên rất cao nếu so với thu nhập trung bình của người dân. Nhưng cũng như các loại thị trường khác. Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, dành cho các đối tượng khác nhau. Giá căn hộ cao dành cho những đối tượng có thu nhập cao và điều này hoàn toàn hợp lý. Ngoài khu vực căn hộ cao cấp, giá ở các phân khúc thị trường khác không có nhiều biến động.

Việc nguồn cung hạn chế trong thời gian qua có thể lý giải bằng một nguyên nhân hết sức chủ quan, đó là sự rắc rối, phiền hà trong thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư. Như tôi đã phân tích ở trên, chúng ta đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển thị trường. Vấn đề bây giờ là cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng rà soát lại các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp đất đầu tư dự án. Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng sẽ xem xét lại các thủ tục đấu thầu dự án. Nếu giải quyết được vấn đề này, chắc chắn nguồn cung sẽ tăng, sẽ giải quyết được tình trạng lệch pha hiện nay.
 
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đồng tình với thuế lũy tiến. Ông có nhận xét gì?

Về thuế lũy tiến, đối tượng đánh thuế là người sử dụng bất động sản, sử dụng đất và sở hữu nhà. Theo tham mưu của Bộ Xây dựng, có thể sẽ quy định hạn mức diện tích nhà ở theo đầu người khoảng 30 m2. Nếu vượt quá số này sẽ bị đánh thuế. Với một lý do nào đó, sử dụng nhiều đất, sở hữu nhiều diện tích nhà ở thì phải chấp nhận đóng thuế, chia sẻ lợi ích với mọi người vì đất đai là sở hữu chung của toàn dân. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, việc đánh thuế sẽ có những quy định riêng, nhưng trên tinh thần đánh thuế trên diện tích đất sử dụng. Sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp nhận đất mà bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Chắc chắn, việc này sẽ hạn chế được phần nào hiện tượng đầu cơ. Nhưng tất nhiên sẽ vẫn còn những kẽ hở. Chúng ta sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dần chính sách.

Còn về việc thắt chặt tín dụng, tôi khẳng định, động thái này sẽ không thể ảnh hưởng đến việc thiếu vốn cho đầu tư bất động sản. Chính phủ khuyến khích các hoạt động đầu tư vào bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng mặt khác cũng phải có những biện pháp để hạn chế nguồn tiền đến với giới đầu cơ, gây ra cung cầu ảo trên thị trường. Có thể khi phản ứng với những chính sách mới, thị trường sẽ có những xáo trộn do tâm lý trong thời gian nhất định, nhưng sẽ sớm bình ổn trở lại.

Một hiện tượng nữa gây ra cung cầu ảo là các giao dịch bất động sản ngầm. Chúng ta sẽ có biện pháp gì để đối phó với tình trạng này?

Hiện nay chúng ta đang đánh thuế chuyển quyền và phí trước bạ quá cao. Thuế chuyển quyền là 4%, lệ phí trước bạ là 1%. Như vậy vô hình chung đã làm cho người dân ngại thực hiện các giao dịch chính thức. Sắp tới sẽ có những điều chỉnh giảm các loại thuế, phí này. Theo dự kiến thuế chuyển quyền sử dụng đất là 1%, còn phí trước bạ là 0,1%. Việc giảm chi phí khi thực hiện các giao dịch sẽ thúc đẩy người dân đến với các giao dịch chính thức. Còn để hạn chế giao dịch chắc chắn sẽ có những biện pháp khác trong thời gian tới.
 
Theo Đinh Thiện
ĐT.net

tramy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên