MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấn chiếm sông, kênh rạch khiến TPHCM ngập úng nặng

27-05-2010 - 11:18 AM | Bất động sản

Việc TP phát triển đô thị về phía Nam, Đông Nam, Tây Nam càng khiến tình trạng ngập úng thêm nặng.

Đây là một trong những nội dung tại hội thảo bàn về giải pháp chống ngập. Ngoài tồn tại của việc lấn chiếm sông, kênh rạch, theo Giáo sư Lê Huy Bá, việc TP phát triển đô thị về phía Nam, Đông Nam, Tây Nam càng khiến tình trạng ngập úng thêm nặng.

Tình trạng ngập nước ở nhiều tuyến đường trung tâm vẫn chưa khắc phục được

Tại hội thảo bàn về giải pháp chống ngập tổ chức ngày 26/5, tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: “Hiện TPHCM vẫn còn đến 163 điểm thường xuyên ngập kéo dài ở khắp 24 quận huyện”.

Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM tại hội thảo cũng thừa nhận tình trạng ngập nước tại TPHCM vẫn diễn biến rất phức tạp, những tuyến đường ngập truyền thống ở khu trung tâm như Lê Tháng Tôn, Ba Tháng Hai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Cảnh… vẫn chưa giải quyết được.

Theo thống kê của trung tâm, chỉ trong năm 2009 đã có đến hơn 50 trận mưa gây ngập cho thành phố (trên tổng số 150 trận mưa cả năm). Không chỉ vậy, triều cường ngày càng tăng cao khiến tình trạng ngập càng thêm phức tạp, gần nửa số điểm ngập hầu như chưa có phương án xử lý.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của trung tâm thì chính công trình thi công các dự án cấp thoát nước thời gian qua cũng góp phần làm tình trạng ngập nước thêm nghiêm trọng. Bởi trong quá trình thi công, các nhà thầu đã chặn dòng chảy, ngăn cống… rồi không đấu nối lại hoặc đấu nối cẩu thả nên phát sinh nhiều điểm ngập mới.

Khu đường sông thì lo ngại tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch trên địa bàn TP ngày càng phức tạp. Theo thống kê của khu, TP hiện có đến 182 vị trí bị lấn chiếm. Việc lấn chiếm sông, kênh rạch không chỉ có khả năng làm xáo trộn dòng chảy, gây sạt lở bờ sông mà còn làm diện tích thoát nước tự nhiên của TP đã ít nay càng ít hơn, khiến tình trạng ngập nước thêm phần nghiêm trọng.

Giáo sư Lê Huy Bá thì cho vấn đề này đã tồn tại từ lâu. Ông cho biết: “Chỉ tính từ năm 1990 đến năm 2004, TP có 47 trên tổng số 100 tuyến kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 16,5 ha đã bị san lấp hoàn toàn”.

Ông còn cho việc TP phát triển đô thị về phía Nam, Đông Nam, Tây Nam (quận 7, Nhà Bè) trong thời gian qua càng khiến tình trạng ngập úng thêm phức tạp. Bởi TPHCM có vị trí của một đô thị bán ngập triều, hướng thoát lũ chính là từ vùng cao (Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc) xuống vùng trũng (Nam, Đông Nam, Tây Nam). Nhưng cả khu vực này đang bị bê tông hóa, bị san lấp để xây dựng đô thị.

Từ những nguyên nhân trên, các nhà khoa học tham gia hội thảo đều đồng ý TP cần có những nhóm giải pháp đồng bộ thì mới có khả năng chống ngập cho TP. Ngoài những công trình, dự án thoát nước trị giá hàng ngàn tỷ đồng, TP cần chú ý xây dựng các hồ điều tiết nước tự nhiên, tận dụng công viên làm hồ chứa nước, xây dựng các hồ chứa nước ngầm để tích nước khi trời mưa lớn…

Ngoài ra, theo GS Lê Huy Bá, cần có biện pháp kiên quyết, cấm tuyệt đối hành động san lấp kênh rạch đang diễn ra phức tạp hiện nay, không để ách tắc dòng chảy khi có mưa hoặc triều.

Theo Tùng Nguyên
Dân Trí

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên