MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu Bitexco sẽ là chủ đầu tư Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa?

03-11-2015 - 06:51 AM | Bất động sản

UBND TP HCM vừa duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư khái toán là 29.922 tỷ đồng.

Tóm tắt

Ngày 30/8/2015, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 3408/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch nằm trên bán đảo Thanh Đa, rộng hơn 426 ha. 


Theo đó, số tiền này bao gồm giá trị dự kiến vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính của toàn bộ dự án, giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tối thiểu khi thực hiện thu hồi đất. Đồng thời, được sử dụng để làm cơ sở xác định giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm cam kết thực hiện dự án, xác định vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết tín dụng (khả năng vay).

Cũng theo kế hoạch trên, nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. Thời gian triển khai thực hiện dự án dự kiến 50 năm, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật chính là 5 năm kể từ ngày ký Hợp đồng thực hiện dự án.

Được biết, ý tưởng quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM thông qua năm 1992, cho biết đây sẽ là đô thị sinh thái: nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí hiện đại rộng khoảng 400ha. Trong đó khu sinh sống rộng hơn 90 ha với khu dân cư mới có hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên.

Ở đây, khu nhà cao tầng chỉ chiếm diện tích khoảng 18 - 20ha, tức gần 21% tổng diện tích đất ở và sẽ được xây dựng với hình thức nén để dành diện tích cho cây xanh. Khu biệt thự - nhà vườn chiếm khoảng 20ha, tức 22% tổng diện tích đất ở và khu tái định cư rộng 18,4ha… Khu trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch rộng hơn 134ha. Khu cây xanh, sinh thái và bảo tồn thiên nhiên rộng 105ha…

Tuy nhiên, từ sau khi có quy hoạch trên, bán đảo này đã trải qua hơn 20 năm vắng bóng nhà đầu tư thực hiện các mục tiêu trên. Đến năm 2011, thành phố đã giao cho tập đoàn Bitexco thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của đại dự án này.

Ngày 30/8/2015, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 3408/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch nằm trên bán đảo Thanh Đa, rộng hơn 426 ha. Về chủ trương, thành phố giao tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Về quy hoạch giao thông đối ngoại của khu đô thị mới, ngoài cầu Kinh hiện hữu (phường 27) sẽ có thêm 5 cầu được xây mới, gồm cầu Kinh 2; cầu Bình Quới - Thủ Đức 1 kết nối đường D35 (phường 28,quận Bình Thạnh) với đường D1 (P.Trường Thọ, quận Thủ Đức) và nối vào tuyến đường Vành đai phía đông (Vành đai 2); cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 kết nối đường D6 (P.28, quận Bình Thạnh) với đường số 23 (P.Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và nối vào đường Phạm Văn Đồng; cầu Bình Quới - Rạch Chiếc kết nối đường D5 (P.28, quận Bình Thạnh) với P.An Phú (quận 2) và nối vào trục đường xa lộ Hà Nội; cầu Bình Quới – Quận 2 kết nối đường D23 (P.28, Bình Thạnh) với P.Thảo Điền (quận 2) và nối vào trục đường xa lộ Hà Nội.

Về giao thông đường sắt, thành phố quy hoạch kết nối khu đô thị mới với tuyến monorail (tàu điện 1 ray) số 2 đi từ QL50 (quận 8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (quận 2); định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a; định hướng kết nối với hệ thống đường sắt nội đô đi qua Q.1.

Theo một nguồn tin từ Bitexco, trong thời gian tới tập đoàn này sẽ chính thức làm việc với UBND thành phố để có được quyết định giao Bitexco làm chủ đầu tư dự án. Tiếp theo đó, Bitexco sẽ xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư. Bitexco cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng. Ngay khi có quyết định chấp thuận đầu tư của thành phố, Bitexco sẽ triển khai dự án. Trong vòng 5 năm, chủ đầu tư sẽ tiến hành công tác bồi thường, giải tỏa và xây dựng các trục hạ tầng chính của dự án.

Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi UBND Tp.HCM ban hành Kế hoạch trên vào tối hôm qua (2/11), một đại diện của tập đoàn Bitexco cho biết thời gian qua, nhất là ngay sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, đơn vị này đã tích cực làm việc với các Sở ngành trên địa bàn để thống nhất những hạng mục sẽ được thực hiện ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Khi được hỏi về việc thành phố sẽ chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện dự án, vị đại diện này khẳng định rằng UBND Tp.HCM có thể cũng sẽ chỉ định tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư, bởi trong nhiều năm qua tập đoàn này là đơn vị duy nhất thực hiện bản đồ quy hoạch, lập phương án đầu tư và nguồn vốn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong tương lai bán đảo Thanh Đa sẽ trở thành một trong những khu vực rất tiềm năng về du lịch cũng như bất động sản.

 

Hơn 20 năm dự án “treo” Bình Quới - Thanh Đa

Dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đang được xem là một dự án “treo” dai dẳng nhất thành phố hiện nay.

– Năm 1992, TPHCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là một “Việt Nam thu nhỏ” với mục đích đây sẽ là “khu văn hóa - thể thao - du lịch” nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách trong, ngoài nước.

– Tháng 12/2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là “khu du lịch - văn hóa - giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố”.

– Tháng 6/2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

– Tháng 12/2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tháng 6/2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND Tp.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch: khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

– Tháng 1/2006, Tp.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9.

- Năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND Tp.HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã “ngâm” quá lâu mà không tiến hành triển khai đầu tư.

 

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên