MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà Khang Điền nói gì về thương vụ thâu tóm nhanh gọn BCI?

14-12-2015 - 11:04 AM | Bất động sản

Theo ông Nguyễn Đình Bảo, thành viên HĐQT của Công ty Nhà Khang Điền, việc đầu tư vào công ty BCI là một quá trình hợp tác dài hơi giữa hai bên, dựa trên lợi thế một bên có quỹ đất và một bên có tài chính, kinh nghiệm.

Tóm tắt

- Nhiều ý kiến từ giới phân tích cho rằng KDH sẽ không dừng lại ở việc chỉ sở hữu trên 57% cổ phần của BCI, nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu từ đợt dự kiến phát hành 33 triệu cổ phiếu trong năm 2016 của BCI, để có thể nắm quyền chi phối.

-Lãnh đạo KDH cho rằng thị trường BĐS đang phát triển tốt thì việc mua lại quỹ đất, dự án hay cả công ty nào đấy là hoàn toàn bình thường trên thương trường.


KDH nói gì về thương vụ thâu tóm BCI?

KDH đã nâng tỷ lệ sở hữu tại BCI  lên 57,31% tại phiên giao dịch sáng ngày 3/12/2015. Theo đó, chỉ trong 1 giờ phiên giao dịch, 32 triệu cổ phiếu BCI đã được giao dịch thỏa thuận, mức giá đều là 24.000 đồng/CP, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một vài phân tích từ giới chuyên gia cho thấy để KDH trở thành cổ đông chi phối BCI thì doanh nghiệp này có thể liên kết với vài cổ đông khác để đạt tỷ lệ 65% vốn điều lệ tại BCI, lúc đấy nhóm cổ đông KDH có quyền thông qua mọi quyết định có tính chiến lược tại BCI.

Theo kế hoạch BCI dự kiến sẽ phát hành gần 33,28 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng vào năm 2016 . Mục tiêu của việc tăng vốn này của BCI là nhằm tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn, bung hàng và tái khởi động thêm 2 dự án ở Bình Chánh và Tân Tạo. Riêng nguồn vốn dự kiến chỉ để giải phóng mặt bằng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

BCI muốn tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng; Nhà Khang Điền đề nghị sở hữu trên 25% VĐL

Theo nhận định từ một chuyên gia tài chính có tiếng (xin được giấu tên), nếu đợt phát hành này thành công thì khi đấy có thể tỷ lệ sở hữu của KDH không còn là trên 57%, khả năng bị pha loãng. Và cũng có nhiều khả năng KDH sẽ mua vào ở đợt phát hành này. Như vậy, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng với chiến lược “đặt cả hai chân” vào BCI thì nhiều khả năng KDH sẽ tiếp tục gom cổ phiếu của đơn vị có quỹ đất sạch khá tốt của Tp.HCM hiện nay.

Nói về chiến lược của mình, ông Nguyễn Đình Bảo, Thành viên HĐQT của KDH, cũng thừa nhận rằng việc đầu tư vào công ty BCI là một quá trình hợp tác dài hơi giữa hai bên, dựa trên lợi thế một bên có kinh nghiệm và tài chính còn một bên có quỹ đất tốt. “Chuyện hợp tác này có nhiều người cho rằng KDH đang muốn “thôn tính” hay “thâu tóm” BCI, nhưng chúng ta cần phải xem đây là một hình thức công ty mẹ - con”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, trong khi BCI có quỹ đất sạch lớn nhưng nhiều năm nay chưa triển khai dự án, mặt khác các cổ đông hiện hữu từ lâu chưa có sự đồng thuận cao, do vậy, KDH "nhảy" vào là hết sức bình thường để vực dậy doanh nghiệp, cùng phát triển dự án để tránh lãng phí quỹ đất.

“Chúng tôi không phải vào BCI để mua cổ phiếu rồi làm giá mà là rót tài chính đầu tư lâu dài. Tùy theo thị trường, theo khu vực thì KDH sẽ phát triển dự án theo đúng phân khúc đó. Khi trở thành cổ đông lớn, KDH sẽ nắm thế chủ động trong chiến lược sắp tới. Chúng tôi mua cổ phiếu của BCI thông qua Sở giao dịch chứng khoán là hoàn toàn bằng "tiền tươi thóc thật" chứ không có cái kiểu làm giá hay mua khống”, ông Bảo tiết lộ thêm.

Chính vì lý do đó, vào sáng ngày 27/11, tại đại hội cổ đông bất thường 2015 của BCI đã thông qua việc tăng vốn lên 1,200 tỷ đồng, chấp thuận đề nghị sở hữu trên 25% vốn tại BCI của KDH và thay thế 3 Thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2014-2018. Theo đó, một thành viên HĐQT của KDH đã “giành” một ghế thành viên HĐQT của BCI, đó là bà Nguyễn Thị Diệu Phương. Được biết, bà Phương trước đây đã có thời gian công tác tại BCI.

Nhưng, nguồn tiền ở đâu?

Khi được hỏi rằng nếu trong tương lai một số cổ đông hiện hữu trong BCI tiếp tục thoái vốn, thì liệu KDH có “gom” để nâng trần sở hữu hay không?

Ông Bảo cho rằng mọi chuyện giờ chưa nói trước được điều gì vì còn phụ thuộc vào tình hình lúc đấy. Trong đó, phải xem các cổ phiếu này được thoái và bán với giá như thế nào. Bởi vì nếu cao quá, vượt xa năng lực tài chính của mình thì KDH sẽ không mua vào nữa. Trước mắt, KDH sẽ “bơm” tiền vào các dự án hiện hữu của BCI để tiếp tục hoàn thiện đưa ra thị trường.

Được biết, trước đây KDH đã mua lại một số dự án lớn tại quận 9 như Lucasta, Melosa… và hiện đang có chiến lược chuyển hướng đầu tư về khu Tây Nam của Tp.HCM.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người cũng quan tâm hiện nay là dựa trên kết quả kinh doanh gần một năm qua của KDH chưa phải là khả quan lắm, vậy nguồn tiền ở đâu để giúp KDH thực hiện thương vụ lớn này?

Theo tiết lộ của ông Bảo, tốc độ bán hàng của các dự án lớn vẫn tăng mạnh trong 10 tháng qua. Trong đó, các dự án nhà phố như Mega Khang Điền và Mega Village đã vượt con số 1.000 căn được bán, cuối năm nay sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Song song đó, KDH hiện nay có nguồn tài chính khá vững từ nhiều cổ đông lớn trong và ngoài nước, trong đó có sự hiện diện của 2 quỹ đầu tư lớn.

Cũng theo tiết lộ từ ông Nguyễn Đình Bảo, cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu tháng 1 năm 2016 KDH sẽ có thêm hàng trăm tỷ đồng về từ đợt phát hành cổ phiếu trước đó. KDH sẽ có nguồn tài chính để thực hiện chiến lược đầu tư trong năm tới.

Khi được hỏi về kế hoạch phát triển những khu đất “vàng” hiện hữu của BCI như thế nào, vị này cũng cho biết thêm rằng hai bên sẽ ngồi lại với nhau để tiếp tục xây dựng những chiến lược cụ thể. Nếu khu vực Tây Nam Tp.HCM “thịnh” phân khúc nào thì công ty sẽ đầu tư mạnh vào phân khúc đấy để đón đầu thị trường. “Tuy nhiên, do những khu đất của BCI nằm rải rác khắp nơi nên chúng tôi phải tính toán thật kỹ dựa trên nhu cầu thực của thị trường”. Ông Bảo nói.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên