MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới quy định xét đô thị đặc biệt

20-08-2015 - 16:44 PM | Bất động sản

Theo dự thảo, đô thị đặc biệt chỉ cần có quy mô dân số đô thị đạt từ 3 triệu người trở lên (thay vì từ 5 triệu người như hiện hành); mật độ dân số đô thị đạt từ 10 nghìn người/km2 trở lên (hiện hành là 15 nghìn người/km2 trở lên).

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thay thế nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về phân loại đô thị.

Dự thảo quy định trình tự lập, thẩm định đề án phân loại đô thị và quyết định công nhận loại đô thị. Đối với, đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức lập đề án phân loại đô thị. Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với đô thị loại III và đô thị loại IV thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức lập đề án phân loại đô thị trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định và quyết định.

Đối với đô thị loại V thì Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập đề án phân loại đô thị. Sở Xây dựng thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Về tiêu chí xét loại đô thị, dự thảo lần này đã nới lỏng hơn các tiêu chỉ so với quy định hiện hành.

Cụ thể, Tại dự thảo Nghị định phân loại đô thị, Bộ Xây dựng đã đề xuất 5 tiêu chí cơ bản đánh giá phân loại đô thị gồm: 1- Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 2- Quy mô dân số đô thị; 3- Mật độ dân số đô thị; 4- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; 5- Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng. Dự thảo nêu rõ, Bộ Xây dựng quy định cụ thể các tiêu chí phân loại đô thị.

Trong khi đó Nghị định 42/2009/NĐ-CP hiện hành quy định 6 tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị. Trong đó nêu rõ nhiều nội dung cụ thể như: Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là một trung tâm của vùng trong tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định; quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4 nghìn người trở lên…

Theo dự thảo, đô thị đặc biệt có chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, đầu mối giao thông trong nước và quốc tế; có trình độ kinh tế - xã hội phát triển, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Còn theo quy định hiện hành, đô thị đặc biệt có chức năng đô thị là Thủ đô hoặc đô thị có chức năng là trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, đô thị đặc biệt chỉ cần có quy mô dân số đô thị đạt từ 3 triệu người trở lên (thay vì từ 5 triệu người như hiện hành); mật độ dân số đô thị đạt từ 10 nghìn người/km2 trở lên (hiện hành là 15  nghìn người/km2 trở lên).

Tương tự, dự thảo cũng đề xuất quy mô dân số đô thị loại I đạt từ 300 nghìn người trở lên thay vì 500 nghìn người (đô thị trực thuộc tỉnh), 1 triệu người (trực thuộc Trung ương) như hiện nay. Đồng thời, mật độ dân số đô thị thay vì 10 nghìn người/km2 trở lên (đô thị trực thuộc tỉnh), 12 nghìn người/km2 trở lên (trực thuộc Trung ương) như hiện nay thì chỉ cần đạt từ 6 nghìn người/km2 trở lên.

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên