MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý biệt thự cổ: Nhập nhằng sở hữu, khó phân trách nhiệm

28-09-2015 - 07:38 AM | Bất động sản

Nhận định trên được kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện
Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện

Nhận định trên được kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trực Luyện, nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đưa ra trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những bất cập trong việc quản lý các công trình kiến trúc đô thị cũ trên địa bàn Hà Nội.

Khai thác tùy tiện,cơ chế quản lý chồng chéo

Hiện tại, thì không ai biết được có bao nhiêu biệt thự cổ đang xuống cấp và xuống cấp đến mức nào, không ai dám chắc sẽ không xảy ra sự cố như đã từng xảy ra với biệt thự 107 Trần Hưng Đạo. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào, thưa ông?

Cách đây vài năm thành phố đã thống kê, rà soát. Còn những biệt thự đó ở trong tình trạng nào, nó biến chuyển liên tục, thực sự tôi cũng không biết có cơ quan nào nắm được chuyện này không. Với yếu tố thời gian và khí hậu của nước ta, những ngôi nhà cổ rất mau chóng bị xuống cấp. Đặc biệt, là do cách khai thác của chúng ta. Những ngôi biệt thự cổ hầu hết được xây cho một hộ gia đình sử dụng, nhưng sau năm 1954, trong điều kiện thiếu thốn nhà ở, hầu hết các biệt thự này trở thành trụ sở của các cơ quan Nhà nước, hoặc thành các “khu tập thể mini” cho nhiều hộ dân cư ngụ. Chính cách khai thác này đã khiến các biệt thự rơi vào tình trạng quá tải về công năng và nhanh xuống cấp theo thời gian.

Có thể hiểu, đến nay, vẫn không thống kê được có bao nhiêu biệt thự nguy hiểm vì rất phức tạp. Trong việc này, thành phố có trách nhiệm quản lý chung, còn trực tiếp phải nói đến trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn như Sở TN-MT, Sở Xây dựng. Những đơn vị này nhiều khi làm việc nhưng chỉ làm cho có, không theo sát để nắm được “muôn hình vạn trạng” tình trạng của các biệt thự cổ.

Về góc độ pháp lý, mới chỉ có quy chế chứ không có luật quy định về loại di sản kiến trúc đô thị này. Theo ông, có phải vì quản lý Nhà nước bị hạn chế như vậy nên dù có rà soát rồi không đưa ra được giải pháp, hành lang pháp lý thì cũng không giúp gì được cho bảo vệ di sản?

Đúng là chúng ta mới chỉ có quy chế chứ không có luật định về loại di sản kiến trúc đô thị này. Gọi là thiếu cũng đúng, mà cho rằng không thiếu cũng không sai. Bởi tôi nghĩ không cần thiết phải có luật quy định, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có quy chế rồi, phải thực hiện quy chế đó như thế nào cho hiệu quả mà thôi.

Ông có cho rằng đang có sự lộn xộn trong sở hữu đối với loại di sản này? Bởi thực tế, nhiều biệt thự đã bị đổi quyền sở hữu. Chúng bị sang tên đổi chủ, thậm chí có biệt thự trở thành nhà tư, hoặc một biệt thự có nhiều chủ?

Việc quản lý các biệt thự cổ như một vòng tròn luẩn quẩn không có lối thoát. Cơ quan Nhà nước giao cho đơn vị sử dụng, quản lý tòa nhà phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng… Tuy nhiên, kinh phí không hề nhỏ, và thực tế cũng ít có đơn vị hay cá nhân nào bỏ tiền vào việc này. Khi ấy cơ quan quản lý nói nếu không có kinh phí thì phải làm văn bản báo cáo các cấp để xin kinh phí, nhưng có khi trong thời gian làm văn bản rồi chờ được phê duyệt, chấp thuận, những sự cố đáng tiếc như vừa qua đã xảy ra mất rồi.

Vấn đề ở đây phải xác định được chính chủ của ngôi nhà. Chỉ có người chủ thực sự của ngôi nhà mới có trách nhiệm lớn nhất trong việc bảo quản, sửa chữa, duy tu, kiểm định nhà. Nhưng thực tế có những ngôi nhà có rất nhiều chủ, và không biết ai là chủ thực sự nên mới dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” như bây giờ.

Xuất hiện tình trạng lộn xộn như nói ở trên là do cơ chế của chúng ta chồng chéo, ràng buộc lẫn nhau, không có lối thoát.

Chỉ quản “xác” nhà

Theo ông, việc đánh giá được tình trạng kỹ thuật của các biệt thự cổ cần thiết như thế nào? Để thực hiện liệu có phức tạp hay không?

Rất phức tạp. Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được chính chủ của ngôi nhà, nhưng vì chúng ta lại trải qua nhiều giai đoạn quản lý tài sản nên khó mà xác định được ai là chính chủ. Chúng ta cứ nói thuộc quản lý Nhà nước nhưng khái niệm Nhà nước ấy lại rất chung chung.

Với những ngôi nhà cổ, việc đánh giá tình trạng kỹ thuật là vô cùng cần thiết. Sau bao nhiêu năm sử dụng, lại chịu nhiều tác động từ việc sửa chữa, cơi nới, chắc chắn khả năng an toàn, chịu lực của các ngôi nhà này đã kém đi nhiều nên bắt buộc phải đánh giá. Tiếc là chúng ta còn chưa làm tốt điều này, chỉ đến khi “sự đã rồi” mới giật mình nhớ đến. Tai nạn khiến có người chết oan, sau đó cơ quan chức năng mới ra văn bản yêu cầu rà soát, đánh giá thực trạng thì quả là đáng tiếc.

Ông có cho rằng, cần phải rà soát được tình trạng sở hữu các biệt thự cổ để tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn?

Phải thừa nhận rằng trong suốt những năm qua, trong chuyện sở hữu các biệt thự cổ chúng ta đã không quản lý khoa học, mà quản lý theo kiểu gặp đâu làm đấy, thấy thế nào thuận tiện thì làm. Giờ không thể như thế được nữa, sự tồn vong của những ngôi nhà đã được đặt ra thì phải quản lý sát sườn hơn. Thời gian qua việc này vẫn còn bỏ ngỏ, các cơ quan quản lý mới chỉ quan tâm quản lý “xác” chung của ngôi nhà, tức là chỉ quản lý bề mặt kiến trúc còn không chú trọng đánh giá, khảo sát chất lượng ngôi nhà.

Vụ việc đáng tiếc vừa qua có trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, trong đó có nguyên nhân do sự chậm trễ trong công tác quản lý của thành phố. Họ nói khó khăn do hồ sơ thất lạc, nhưng nếu hồ sơ thất lạc thì khi vào cuộc, người có trách nhiệm quản lý phải khảo sát và lập lại hồ sơ mới để quản lý. Tựu chung lại là do quản lý của chúng ta không khoa học, lỏng lẻo và có quá nhiều sơ hở. Để giải quyết, phải lập cả kế hoạch lâu dài chứ không thể làm một lúc là xong.

Cảm ơn ông!

 

 

 

 

 

Theo HOÀI THU

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên