MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định về gói vay 30.000 tỉ đồng đánh đố người vay

29-05-2015 - 08:50 AM | Bất động sản

Một năm nữa, thời hạn giải ngân gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng cho người dân mua nhà sẽ kết thúc nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 7.000 tỉ đồng.

Số ngân hàng (NH) giải ngân cho vay gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một trong những vướng mắc lớn nhất là có những quy định đánh đố người vay…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM) nói:

Đến nay dư nợ gói 30.000 tỉ đồng chỉ tập trung ở nhóm NH thương mại nhà nước, trong đó nhiều nhất là BIDV, kế đến là Vietcombank, VietinBank. Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao, trong tháng 5-2015 NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có đoàn công tác đến làm việc với một số đơn vị tham gia cho vay chương trình này. Tại buổi làm việc, các NH đã nêu ra hàng loạt vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chương trình, trong đó mấu chốt là quy định về đối tượng vay phải là người thu nhập thấp.

Nhiều người cho rằng điều kiện về mức thu nhập đang đánh đố người vay do thu nhập trên 9 triệu đồng / tháng bị cho là có thu nhập cao, không đúng đối tượng, còn dưới 9 triệu đồng / tháng NH lại từ chối do không đủ khả năng trả nợ?

Quy định như vậy quả thật đánh đố người vay vì nếu thuộc đối tượng thu nhập thấp theo quy định, sau khi trừ chi phí sinh hoạt không đủ đảm bảo khả năng trả nợ cho NH. Còn người có thu nhập cao hơn, đủ khả năng trả nợ NH lại không được vay. Vướng mắc này nằm ở phía Bộ Xây dựng.

Thời gian qua các NH đã kêu rất nhiều nhưng trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây, Bộ Xây dựng vẫn cho rằng không thể bỏ điều kiện chứng minh thu nhập thấp. Nếu như vậy giải ngân gói 30.000 tỉ đồng thời gian tới vẫn tắc vì đây không phải là gói cấp phát, nếu có rủi ro thì NH phải chịu.

Người vay mua nhà theo gói 30.000 tỉ đồng còn gặp khó khăn ở việc xác nhận đối tượng thu nhập thấp?

Theo thông tư của Bộ Xây dựng, đối tượng vay vốn là lao động tự do thu nhập phải không đến mức nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Khi áp dụng quy định này, các NH gặp phải hai khó khăn.

Thứ nhất, quy định không nêu rõ nên các NH không biết chỉ cần một người thuộc đối tượng trên là được vay vốn hay cả vợ chồng đều phải có thu nhập thấp mới được vay. Từ đó phát sinh trong thực tế nếu người vợ có thu nhập chưa đến mức chịu thuế, nhưng người chồng lại có thu nhập cao hoặc ngược lại thì có thuộc đối tượng được vay vốn theo chương trình không? Trường hợp này nếu chỉ có người vợ hoặc chồng có thu nhập thấp đứng tên vay vốn thì có vi phạm quy định không?

Thứ hai, căn cứ giá trị hợp đồng mua bán đã bao gồm thuế VAT không vượt quá 1,05 tỉ đồng thì người thu nhập thấp là một người sẽ không đủ khả năng trả nợ vì theo quy định về quy chế cho vay của NH, hiện người vay được vay tối đa 80% giá trị căn hộ, tương đương 840 triệu đồng.

Với mức thu nhập tối đa 9 triệu đồng / tháng, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt hằng tháng thì thu nhập còn lại của khách hàng chỉ được vay tối đa 300-400 triệu đồng, không đủ đáp ứng nhu cầu mua căn hộ. Tuy nhiên, nếu bổ sung quy định về việc có thêm bên thứ ba đồng nghĩa vụ trả nợ thì có vi phạm quy định về đối tượng vay theo quy định của Bộ Xây dựng hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Ảnh: A.H.

Ông Nguyễn Hoàng Minh

 

Vừa qua có NH như BIDV đã vận dụng quy định “không chịu thuế TNCN” để xét cho người trên 9 triệu đồng vay, vì sao NH Nhà nước không nhân rộng mô hình này để tháo gỡ nút thắt về thu nhập cho người vay mua nhà?

Trường hợp BIDV vận dụng định nghĩa của Bộ Xây dựng về người thu nhập chưa đến mức nộp thuế TNCN triển khai cho những người có thu nhập trên mức 9 triệu đồng / tháng, nhưng do được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nên chưa phải nộp thuế để cho vay. Từ đó NH có thể xét cho những người thu nhập khá cao vay.

Đó cũng là một cách hiểu linh hoạt để tháo gỡ, đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, đồng thời tạo điều kiện cho những người có thu nhập cao hơn 9 triệu đồng  - là đối tượng đảm bảo nguồn trả nợ cho NH - được vay mà không vi phạm quy định của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên để các NH có thể triển khai đồng loạt, cá nhân tôi đề nghị Bộ Xây dựng nên nghiên cứu cách làm này và có văn bản hướng dẫn cụ thể để các NH triển khai đồng bộ, chứ không phải như hiện nay chỉ có BIDV thực hiện.

Có thực tế nhiều NH thương mại không dám triển khai gói 30.000 tỉ đồng vì sợ trách nhiệm? Nhiều người cũng phản ảnh bị NH làm khó khi muốn vay gói ưu đãi rồi sau đó NH gợi ý vay gói thương mại?

Mới đây khi làm việc với các NH, họ cũng nêu ra những điểm vướng mắc về cơ chế, nhưng khi làm văn bản hỏi NH Nhà nước và Bộ Xây dựng thì chưa được trả lời nên chưa thể giải ngân cho vay.

Tuy nhiên còn một lý do khác quan trọng là các NH sợ trách nhiệm do trong quá khứ khi tham gia gói hỗ trợ lãi suất, nhiều NH bị thanh tra yêu cầu thu hồi rất nhiều. NH Nhà nước TP cũng có nghe phản ảnh nhiều NH đã đưa ra nhiều thủ tục khó khăn khiến người vay nản chí, sau đó gợi ý khách hàng vay gói thương mại với điều kiện dễ dàng hơn rất nhiều nhưng lãi suất cao hơn.

Điều này có thể hiểu được vì những lý do như gói vay 30.000 tỉ đồng là gói vay ưu đãi, dành cho đối tượng thu nhập thấp nhưng điều kiện cho vay vẫn phải như gói vay thông thường, nếu có nợ xấu phát sinh thì NH phải chịu, do vậy NH phải xét duyệt kỹ.

Hơn nữa NH Nhà nước chỉ bù chênh lệch lãi suất 1,5% / năm, số tiền cho vay lại nhỏ trong khi với cho vay thương mại món vay lớn hơn, điều kiện vay do NH quyết định, lãi suất hưởng được cao hơn rất nhiều.

Các NH tham gia gói 30.000 tỉ đồng là tự nguyện. Do vậy nếu các NH dùng đây như một hình thức tăng uy tín nhằm quảng bá tên tuổi, đăng ký nhưng không triển khai là không thể chấp nhận được. NH Nhà nước TP sẽ khảo sát, từ đó có kiến nghị với NH Nhà nước chứ không thể để tình trạng NH xin rồi để đó hoặc lấy lý do này nọ mà không triển khai làm mất lòng tin của người dân.

Như vậy sau đợt khảo sát vừa qua, NH Nhà nước TP có kiến nghị gì để tháo gỡ những vướng mắc và thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỉ đồng?

Do đến ngày 31-5-2016 thời hạn giải ngân của chương trình sẽ chấm dứt trong khi phần lớn hồ sơ vay vốn là mua căn hộ hình thành trong tương lai, việc giải ngân phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của dự án.

Vì vậy chúng tôi kiến nghị những khách hàng ký hợp đồng vay theo gói ưu đãi trước ngày 1-6-2016 vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi dù giải ngân sau ngày 1-6-2016 để đảm bảo toàn bộ hạn mức được cam kết của khách hàng đều được giải ngân với lãi suất ưu đãi. Liên quan đến việc xác định đối tượng vay vốn chương trình, NH Nhà nước TP kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc xác nhận đối tượng được vay vốn để các NH có căn cứ thực hiện.

Về quy định đối tượng thu nhập thấp, kiến nghị NH Nhà nước hướng dẫn việc người thân trong gia đình cam kết hỗ trợ trả nợ hoặc bảo lãnh khoản vay thì đủ điều kiện được vay vốn để các NH thống nhất triển khai trên toàn hệ thống nhằm đẩy mạnh ký kết và giải ngân chương trình trong thời gian tới.

Ngoài ra theo kiến nghị của các NH thương mại, nên kéo dài thời gian cho vay theo chương trình từ 15 năm lên 20 - 25 năm để giảm áp lực trả nợ của người đi vay.

 

Ông NGUYỄN TRỌNG NINH (phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng):

Không thể mở quá rộng đối tượng

Quy định “người thu nhập thấp” là nội dung nghị định của Chính phủ, do đó muốn sửa hay không phải báo cáo Chính phủ. Nếu Chính phủ đồng ý thì sửa được ngay. Nhưng mục tiêu của gói tín dụng là dành cho người thu nhập thấp, nếu nới rộng điều kiện, trong đó có quy định về thu nhập, thì liệu có đủ nguồn lực để cho vay hay không. Phải cân đối nguồn lực và không thể mở quá rộng về đối tượng. Nếu nguồn lực của quốc gia dồi dào, lúc đó chính sách của gói tín dụng là không phải dành cho người thu nhập thấp nữa mà trở thành gói hỗ trợ về nhà ở đơn thuần.

Gõ cửa nhiều ngân hàng vẫn không vay được

Ngày 27-5, gia đình ông Nguyễn Trọng Hiểu (ngụ Q.3, TP.HCM) miệt mài đi hết NH này đến NH khác nhưng vẫn không vay được tiền từ gói 30.000 tỉ đồng để trả cho hợp đồng mua căn hộ. Trong khi đó, hợp đồng mua căn hộ của ông Hiểu có nguy cơ bị hủy bỏ do không vay được tiền để đóng theo tiến độ.

Kể lại chuyện của mình, ông Hiểu cho biết sáu tháng trước khi ông đang lưỡng lự mua một căn hộ tại dự án chung cư ở gần Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì được nhân viên một NH trên đường Kỳ Đồng trả lời hồ sơ của ông đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng. Ngay lập tức ông về vay mượn bạn bè để đặt cọc mua căn hộ, sau đó tiến hành thủ tục vay NH.

“Từ khi đặt cọc mua căn hộ, tôi phải mất rất nhiều công sức và thời gian để làm thủ tục vay, từ chứng minh điều kiện nhà ở, chứng minh thu nhập của cả hai vợ chồng... Sau khi hồ sơ đã hoàn tất chuẩn bị ký vay thì phía NH trả lời không vay được do thu nhập của tôi và vợ vượt quá 9 triệu đồng/tháng” - ông Hiểu bức xúc. Giờ đây để tránh nguy cơ mất cọc, ông Hiểu phải chuyển qua làm thủ tục vay gói thương mại với lãi suất cao gấp đôi để trả cho chủ đầu tư.

Trường hợp của ông Hiểu chỉ là một trong rất nhiều người đang bị vướng bởi quy định về người thu nhập thấp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng quy định về người thu nhập thấp nên để từng địa phương (cấp tỉnh) ban hành. Bởi nếu mức thu nhập 9 triệu đồng ở các tỉnh thì sẽ có cuộc sống thoải mái hơn thu nhập 9 triệu đồng ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 30-4-2015 tổng số tiền đã cam kết cho vay từ gói 30.000 tỉ đồng là 13.078 tỉ đồng. Số đã giải ngân là 7.155 tỉ đồng. Trong đó, mới có 16.432 hộ gia đình, cá nhân được giải ngân với số tiền là 5.211 tỉ đồng.

Theo ÁNH HỒNG

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên