MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ruộng bậc thang” trên đại lộ nghìn tỉ, trách nhiệm thuộc về ai?

21-05-2015 - 15:46 PM | Bất động sản

Khoảng gần 1 tháng nay, mặt đường Mai Chí Thọ (đoạn gần cầu vượt Cát Lái - Q.2), ngày càng lún sâu tạo thành những rãnh nguy hiểm, thường xuyên gây tai nạn cho người đi đường.

Từ khi thông xe, năm 2011 đến nay, tuyến đại lộ nghìn tỉ này liên tục bị trồi, lún trông không khác gì những luống “ruộng bậc thang” nên càng khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng và đề nghị cần phải thanh tra toàn diện.

Đường lún, tử thần rình rập

Ngày 20.5, PV ghi nhận, mặt đường bị lún hằn thành các rãnh sâu từ 10-15cm, chạy dài khoảng 500m. Các phương tiện xe ôtô, xe gắn máy mỗi lần đi qua đoạn đường này hết sức khó khăn. Anh Dũng - tài xế xe container - bức xúc nói: “Mặt đường sụt lún, chỉ tài xế chạy quen đường mới biết để giảm tốc độ, còn tài xế lạ đường chạy nhanh, đến đoạn bị lún lọt bánh xe vào rãnh sâu khiến xe loạng choạng, nghiêng xe gây mất thăng bằng, rất dễ bị lật”.

Do đoạn đường bị lún nằm ngay vị trí giao cắt giữa một hướng lên cầu vượt Cát Lái về trung tâm thành phố, hướng còn lại đi quận Thủ Đức, nên người dân đi xe máy thường xuyên phải chuyển làn ngay trước đầu xe tải trong điều kiện “ruộng bậc thang”, khiến tai nạn luôn rình rập.

PV chứng kiến ông Nguyễn Văn Bình (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), đang đi xe gắn máy đến đoạn đường “ruộng bậc thang”, tay lái loạng choạng ngã lăn quay. Đúng lúc đó, một xe container đang lao tới, nhưng rất may tài xế xử lý kịp nên ông Bình thoát chết trong gang tấc.

Ông Bình chỉ vào các vết thương trên người, bức xúc: “Tốn hàng nghìn tỉ đồng tưởng rằng làm đường tốt cho dân đi, nào ngờ lún sụt khác nào những cái bẫy tử thần rình rập người đi đường”. Khoảng 2 giờ quan sát, PV ghi nhận có khoảng 3 trường hợp đi xe gắn máy té ngã do rơi xuống rãnh lún và máy mắn thoát chết trước hàng trăm xe tải, xe container đang lưu thông.

Đại lộ Mai Chí Thọ được đưa vào sử dụng từ tháng 8.2010, nhưng liên tục xảy ra tình trạng mặt đường bị lún nghiêm trọng và đã trải qua gần một chục lần sửa chữa, khắc phục. Chẳng hạn từ năm 2011, xảy ra lún mặt đường dài khoảng 2km (đoạn từ giao lộ Đồng Văn Cống đến Lương Định Của), và mãi đến cuối năm 2014 mới khắc phục tạm ổn.

Cần làm rõ để ràng buộc trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Minh Phúc - Trưởng BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị - cho biết, một số khu vực trồi nhựa trước đây đã được sửa chữa, kết quả quan trắc cho thấy tình trạng mặt đường ổn định, không xuất hiện hiện tượng mặt đường trồi nhựa nữa.

Riêng đối với khu vực bị trồi nhựa tại cầu Cát Lái đang được chủ đầu tư chuẩn bị sửa chữa, khắc phục triệt để, nhưng dự kiến phải 2 tháng tới mới tiến hành, vì cần chuẩn bị kỹ các phương án phân luồng, tổ chức giao thông tránh gây kẹt xe. Trong thời gian chờ sửa chữa, chủ đầu tư sẽ cho cào bóc lớp nhựa mặt đường bị trồi, xử lý êm thuận cho các phương tiện lưu thông an toàn.

Thạc sĩ Phạm Sanh (chuyên gia cầu đường, giảng viêng ĐH GTVT, nguyên cán bộ Sở GTVT) cho rằng: “Thời gian qua, khi mặt đường bị lún, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan có sửa chữa, khắc phục, song gần như chỉ khắc phục thay kết cấu ở phần mặt nền đường.

Trong khi những nghi vấn ở nền móng có “vấn đề” vẫn chưa được làm sáng tỏ và công khai cho dư luận biết”. Theo thạc sĩ Phạm Sanh, tình trạng lún, trồi nhựa tại nhiều đoạn trên tuyến Mai Chí Thọ cho thấy quá trình xây dựng “có vấn đề”.

Để làm rõ “vấn đề” này nằm ở khâu nào và ai chịu trách nhiệm, thì cần phải thanh tra toàn diện từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công và kiểm định lại chất lượng công trình nhằm xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra hướng khắc phục triệt để lâu dài, đồng thời xác định trách nhiệm các bên liên quan.

“Nếu không, sau này công trình tiếp tục bị lún, trồi nhựa nữa sẽ khó có hướng khắc phục triệt để cũng như không thể xác định lỗi do bên nào, để ràng buộc trách nhiệm bồi thường chi phí khắc phục” - thạc sĩ Phạm Sanh cho biết.

 

Trần Phan - Minh Quân

Lao Động

Trở lên trên