MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có quy định buộc tăng mảng xanh trong dự án BĐS

21-10-2015 - 16:19 PM | Bất động sản

Bộ Xây dựng cho biết sẽ có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp triển khai công trình xanh, mặt khác tăng cường chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng…

Tóm tắt

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Định hướng phát triển công trình xanh trên địa bàn Tp.HCM, diễn ra sáng 21/10, đa số các nhà phát triển dự án BĐS chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt sao cho tiết kiệm tối ưu chi phí đầu tư, sao cho thu hồi vốn nhanh. 


KTS. Võ Trọng Nghĩa cho biết hiện nay tại Tp.HCM chỉ có khoảng 0,7m2 cây xanh trên đầu người. Đây là một mật độ quá ít so với nhu cầu sống thật sự của người dân thành phố. Đối với nhiều dự án chung cư, hầu như chỉ đếm được một hai dự án có mật độ xây xanh theo quy định.

Trong khi đó, số lượng các công trình xanh tại tp.HCM đến nay chỉ mới đạt được một công trình có chứng nhận của LEED (Mỹ); 2 công trình chứng nhận Green Mark của Singapore; và chưa có công trình nào đạt chứng nhận Lotus (Việt Nam). Tại Bangkok đã có 38 công trình đạt chứng nhận của LEED; Kuala Lumpur có 89; Singapore có 56 công trình đạt chứng nhận LEED. Ngay cả Phnom Penh của Campuchia – nơi chưa có hệ thống đánh giá công trình xanh cho riêng mình – mà đã có đến 7 dự án nhà ở đạt chứng nhận LEED.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Định hướng phát triển công trình xanh trên địa bàn Tp.HCM, diễn ra sáng 21/10, đa số các nhà phát triển dự án BĐS chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt sao cho tiết kiệm tối ưu chi phí đầu tư, sao cho thu hồi vốn nhanh. Họ e ngại đầu tư công trình xanh vì làm tăng tổng vốn đầu tư, chi phí tư vấn xanh và chi phí đăng ký cấp chứng nhận xanh, kéo dài thời gian thi công do thủ tục phức tạp.

Chẳng hạn, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, cho biết: “Để phát triển dự án căn hộ cao cấp Diamond Lutus theo tiêu chuẩn xanh LEED của Mỹ, chúng tôi đã phải tốn thêm 10% chi phí đầu tư, tức gần 120 tỷ đồng cho dự án”.

KTS. Nguyễn Thái Thuật Hiền, cho biết thêm các công trình xanh thường được cho là tốn kém hơn đáng kể so với các công trình thông thường và phần chi phí tăng thêm có thể lên đến 10 - 29%. Phần chi phí cao hơn của công trình xanh là do gia tăng chi phí thiết kế kiến trúc và kỹ thuật, chi phí mô hình hóa và thời gian cần để lồng ghép những kỹ thuật thiết kế và xây dựng bền vững tốt nhất cho dự án.

Một nghiên cứu của Bộ Xây dựng cho thấy trong vòng 10 năm qua mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ tăng nhanh hơn GDP, bình quân 14%/năm. Tăng trưởng xây dựng bình quân đạt 12% trong 10 năm qua. Những lý do khiến năng lượng tiêu thụ công trình tăng do giá nhiên liệu tăng, nhu cầu tiện nghi tăng và đô thị hóa nhanh. Bởi vậy việc áp dụng các công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm năng lượng cho quốc gia.

Vì vậy tới đây Bộ Xây dựng cho biết sẽ có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp triển khai công trình xanh, mặt khác tăng cường chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng…

“Với sự tăng nóng của thị trường xây dựng Việt Nam 5 năm tới, rõ ràng chúng ta cần làm cuộc cách mạng xanh trong xây dựng sẽ góp phần giảm sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nhà nước cần ban hành chính sách tổng thể nhằm ưu đãi cụ thể đối với các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi; triển khai dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, lúc đó mới khuyến khích được sự tham gia của xã hội”, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đề xuất.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên