MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường BĐS Việt luôn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

08-05-2015 - 08:22 AM | Bất động sản

Thị trường BĐS Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài khiến cuộc cạnh tranh trên “sân chơi lớn” đang ngày rất gay gắt.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông David Blackhall, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaLand, thuộc Tập đoàn VinaCapital xung quanh “cuộc chiến” dành thị phần đang đến.

“Trong thời điểm hiện nay, khi các nhà phát triển bất động sản (BĐS) vẫn đang vượt qua khó khăn bằng cách xoay chuyển chiến lược của mình, và nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng nhiều cơ hội về chính sách, thủ tục hành chính cải cách đang chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam. Việc nới lỏng các quy định về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài dễ hoạt động hơn trong khu vực bất động sản nhà ở”, ông David Blackhall nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã tạo lập thị trường khi tung ra những dự án BĐS “khủng” với hàng chục nghìn căn hộ trong 5 năm tới. Theo ông, với lượng hàng lớn như thế thì liệu thị trường có mất cân đối cung – cầu?

Theo quan sát của VinaCapital, những yếu tố cốt lõi của thị trường đang cho thấy đà khởi sắc sẽ tiếp tục trong năm 2015. Tuy nhiên, khả năng duy trì số lượng tiêu thụ hàng năm phụ thuộc vào lòng tin của người mua.

Tâm lý của khách hàng trong năm nay sẽ cho chúng ta thấy liệu nhận định thị trường BĐS 2015 sẽ khởi sắc có trở thành sự thật hay không. Nếu kiểm soát được vấn đề lượng cung vượt cầu thì thị trường bất động sản Việt Nam, với triển vọng về dòng tiền gia tăng và khung pháp lý hoàn thiện hơn, sẽ phát triển bền vững.

Nếu khách hàng vẫn có nhu cầu và khả năng để mua thì sức tiêu thụ vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên cần lưu ý khi với một số lượng rất lớn các chung cư cao cấp và biệt thự sắp được chào bán tại TP. HCM, các dự án đơn lẻ với trên 3.000 căn, việc hoàn thành dự án có thể gặp trở ngại khi bước sang giai đoạn 2016 – 2017 vì rất khó đoán được chính xác các xu hướng tiêu thụ.

Chúng tôi cho rằng theo nhịp phát triển của thị trường, các dự án có vị trí tiện lợi về hạ tầng như gần các tuyến metro,  các tuyến đường mới vẫn sẽ dễ bán, tuy nhiên các dự án ở các khu ven thành phố có lẽ sẽ gặp phải một số khó khăn vì đây là khu vực có mật độ dự án dày đặc trong tương lai.

Sự trì trệ của thị trường BĐS trong những năm gần đây làm cho phần lớn các công ty phát triển BĐS Việt Nam không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh tay “gom hàng” và thực tế đã diễn ra hàng loạt thương vụ M&A lớn trên thị trường. Ông bình luận như thế nào sự chuyển hướng này?

Đúng là trong năm 2014 với các điều kiện thuận lợi, đã có một số thương vụ M&A chiến lược diễn ra trên thị trường, qua đó các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các dự án hiện hữu. Dù hiện tại, trong nhiều trường hợp tài sản được định giá cao hơn giá trị thực nhưng chúng tôi tin rằng các tài sản sẽ dần tiệm cận với mức giá hợp lý nên chắc chắn xu hướng này vẫn tiếp diễn và sẽ hỗ trợ cho sự phát triển trong tương lại của thị trường BĐS Việt Nam.

Nhiều nhận định cho thấy, vốn FDI và lượng kiều hối sẽ “chảy” vào thị trường BĐS từ năm 2015 sẽ rất lớn. Vậy theo ông thì hai sắc luật liên quan đến BĐS liệu sẽ tạo ra một “cú hích” lớn để thị trường BĐS Việt Nam phát triển bền vững?

Luật kinh doanh BĐS với nhiều đổi mới sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc thị trường, hướng tới thị trường chuyên nghiệp hơn, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam nói chung hay vào lĩnh vực BĐS nói riêng đều góp phần tăng sức mua và cải thiện hoạt động mua bán BĐS, bởi xu hướng M&A dự án sẽ tăng và nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh.

Về kiều hối thì không phải gần đây nguồn tiền này mới đổ về Việt Nam, trong giai đoạn này nếu người nhận tiền tại Việt Nam có lòng tin thì nên mua thêm nhà. Bên cạnh mua để ở thì mua để cho thuê là một lựa chọn hấp dẫn so với  các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như gửi tiết kiệm vì cho thuê đảm bảo sẽ mang lại nguồn thu nhập tiềm năng, hợp lý cho nhà đầu tư. Tôi cho rằng thị trường cho thuê sắp tới sẽ phát triển khá mạnh mẽ và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển chung của thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Đâu là nguyên nhân chính để VinaCapital quay trở lại thị trường bất động sản bằng những dự án quy mô lớn?

Với các điều kiện vĩ mô ổn định trong năm 2014, thị trường đã ấm lại với mức độ tiêu thụ dự án tăng rõ rệt trong nhiều tháng vừa qua nhờ vào lòng tin của người mua nhà đã quay trở lại. Vì vậy mà trong 6 tháng cuối năm 2014, VinaCapital đã tái khởi động hai tiểu khu thuộc dự án Đà Nẵng Beach Resort là “The Ocean Apartments” và “The Point Villas”. Cả hai đều đạt doanh số cực kỳ ấn tượng và bước sang năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm các dự án khác đến khách hàng.

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, cũng có một số nhà đầu tư đang quan tâm, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy các công ty bất động sản trong nước sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị trường trên mọi phân khúc vì họ có lợi thế trong thanh khoản cũng như có thể quyết định nhanh chóng.

Xin cảm ơn ông!

 

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản và khu vực cơ sở hạ tầng. Trên thị trường bất động sản của Việt Nam, những nhà đầu tư nước ngoài lớn đều đến từ Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipine, Singapore, Hồng Kông và Malaysia.

Các nhà đầu tư Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đầu tư ít tích cực hơn các nhà đầu tư đến từ Đông Nam Á. Những nhà đầu tư ngoài Châu Á, như Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, thì không đầu tư tích cực bằng những nhà đầu tư khác. Mặt khác, các nhà đầu tư Thái Lan hiện đang tập trung vào ngành bán lẻ và nhóm hàng các sản phẩm tiêu dùng nhanh hơn là tập trung đầu tư vào bất động sản.

 

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên