MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông hầm Cổ Mã sau 1 năm thi công

22-11-2014 - 17:37 PM | Bất động sản

Hôm nay (22/11), tại tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và các nhà thầu tiến hành thông hầm Cổ Mã chỉ sau 1 năm thi công. Hầm Cổ Mã thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là công trình lớn nhất trên tuyến QL1 đang được thi công nâng cấp, mở rộng.

Về đích trước 3,5 tháng

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, hầm Đèo Cả là một trong những dự án BOT giao thông lớn nhất từ trước đến nay trên QL1. Dù triển khai trong điều kiện rất khó khăn nhưng tiến độ, chất lượng công trình được triển khai đảm bảo. Trong đó, ngoài việc hầm Cổ Mã được thông hôm nay, hầm chính Đèo Cả cũng được triển khai rất khẩn trương. Hiện các nhà thầu đã đào được khoảng 60m.

Để dự án hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2016, Thứ trưởng Thể đề nghị chính quyền và nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện bàn giao nốt mặt bằng còn lại, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công thuận lợi. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và các nhà thầu phải tập trung tối đa vốn, nhân lực, máy móc, lập tiến độ thi công hàng tuần, hàng tháng để kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình.

Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, dự án hầm Đèo Cả không chỉ góp phần đi lại thuận tiện cho người dân, còn giảm thiểu TNGT và thúc đẩy kinh tế - xã hội Khánh Hòa, Phú Yên nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Công trình về đích trước 3,5 tháng là nỗ lực lớn của nhà đầu tư và các nhà thầu. Thời gian qua, lãnh đạo, nhân dân tỉnh Khánh Hòa có sự hỗ trợ tối đa Công ty CP Đầu tư Đèo Cả về công tác GPMB và tổ chức thi công để công trình triển khai đảm bảo kế hoạch.

Theo ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, đường hầm thứ hai xuyên đèo Cổ Mã trên QL1 đoạn qua xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã được khoan thông từ chiều 2/11. Trước đó, đường hầm thứ nhất được thông tuyến vào ngày 16/10. Theo thiết kế, hầm Cổ Mã có hai đường hầm song song dài 500 m, đường kính 11m, với hai ống hầm cách nhau 30m, mặt cắt phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc loại B, tốc độ khai thác 80km/h. Công trình này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao).

Các đại biểu đi kiểm tra hầm sâu khi thông kỹ thuật

Các đại biểu đi kiểm tra hầm sâu khi thông kỹ thuật

Cùng với việc thông xe hầm Cổ Mã, điểm nhấn đặc biệt quan trọng của dự án hầm Đèo Cả là việc qua rà soát, tiết giảm một số hạng mục góp phần giảm tổng mức đầu tư khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng chất lượng không ảnh hưởng. Cũng vì thế, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và các nhà thầu. Bộ trưởng cho rằng đây là điều rất có ý nghĩa trong thời điểm nguồn vốn khó khăn hiện nay và đồng ý để nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả sử dụng nguồn vốn tiết giảm này nghiên cứu đầu tư hầm Cù Mông.

Theo ông Minh, công trình hầm đường bộ qua đèo Cù Mông dài gần 6,5 km, trong đó, đường dẫn dài hơn 4 km, hầm đèo dài gần 2,5 km. Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư với quy mô hai làn xe, xây dựng một ống hầm và đoạn đường dẫn với mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2, cân đối vốn tiếp tục đầu tư ống hầm song song với giai đoạn 1 và hoàn thiện đường dẫn với quy mô bốn làn xe. Tổng mức đầu tư cả dự án dự kiến hơn 4.900 tỷ đồng.

Khẳng định năng lực nhà đầu tư nội

Ông Vũ Văn Tính, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 10 (nhà thầu chính) cho biết, do cấu tạo địa chất phức tạp nên quá trình thi công 2 ống hầm Cổ Mã gặp nhiều khó khăn. Nhiều đoạn đoạn đất yếu, thường xuyên xảy ra hiện tượng sụt lở đất khiến nhà thầu vừa phải gia cố vừa phải đảm bảo tiến độ thi công. Khó khăn vẫn ở trước mắt, khi thời gian thi công hầm Đèo Cả còn dài. Tuy nhiên, nhà thầu sẽ nỗ lực tối đa để thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Hai đầu hầm Cổ Mã đã được đào xuyên sau 1 năm thi công

Hai đầu hầm Cổ Mã đã được đào xuyên sau 1 năm thi công

Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà 10 cho biết, để đảm bảo tiến độ dự án, đơn vị đã huy động hơn 200 công nhân, các trang thiết bị hiện đại để thi công. "Chúng tôi đã chỉ đạo các mũi thi công liên tục 24/24h, không nghỉ ngày lễ và chủ nhật chỉ được nghỉ Tết Nguyên đán nên đã rút ngắn thời gian thông xe kỹ thuật của hầm Cổ Mã gần 1 tháng so với kế hoạch đề ra", ông Lan nói.

Để có được kết quả đó, ngoài nỗ lực của nhà thầu, trong quá trình triển khai dự án, Sông Đà 10 đã được sự chỉ đạo sát sao của tư vấn giám sát, đặc biệt là công tác thu xếp vốn hợp lý của nhà đầu tư để thi công. "Với tiến độ như hiện nay, cùng sự quan tâm, chỉ đạo của nhà đầu tư, chúng tôi phấn đấu cuối năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục của hầm Cổ Mã", ông Lan khẳng định.

Tại buổi lễ, đại diện liên danh tư vấn Apave – Dohwa – Tedi South cũng cho rằng, chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông của Bộ GTVT là rất có ý nghĩa và phát huy hiệu quả lớn. Hầm Đèo Cả là dự án có quy mô và tính chất rất phức tạp, tuy nhiên do có sự lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu kỹ lưỡng, có năng lực nên được triển khai với tiến độ rất tốt.


4 tập thể được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT

4 tập thể được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank – nhà tài trợ vốn) cho biết, hầm đường bộ qua Đèo Cả là một trong số những công trình có ý nghĩa quan trọng. Việc xây dựng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là rất cấp thiết bởi đoạn QL1 qua khu vực giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Nhà đầu tư của dự án đã thể hiện là một đơn vị có năng lực để quản lý và triển khai thực hiện dự án này.

Đây là tuyến giao thông huyết mạch, khi dự án đưa vào khai thác sẽ có cơ sở thu hút được một lượng phương tiện giao thông lớn lưu thông qua tuyến này. Ngoài ra, khi đưa công trình vào sử dụng, VietinBank và nhà đầu tư sẽ xây dựng các trạm thu phí tự động không dừng với những công nghệ mới nhất. Qua đó tiết giảm chi phí về nhân lực, thuận tiện cho các phương tiện giao thông, đồng thời kiểm soát chặt dòng tiền, đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho quá trình hoàn vốn của dự án”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cho biết thêm, trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư đã lựa chọn được những nhà thầu thi công có năng lực tốt, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát có kinh nghiệm. Dù các nhà thầu phải thi công trong những điều kiện gặp nhiều khó khăn về địa hình, địa chất, tuy nhiên, tiến độ dự án đang được thực hiện rất khẩn trương và đảm bảo kế hoạch. “Tôi đánh giá cao công tác triển khai dự án của nhà đầu tư và các nhà thầu. Thông qua dự án hầm Đèo Cả, có thể khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng để quản lý, triển khai và vận hành các dự án đường bộ lớn”, ông Thọ khẳng định.

Tại lễ thông hầm Cổ Mã, 4 tập thể gồm Ban QLDA điều hành Hầm Đèo Cả, Ban QLDA 85, Công ty CP Sông Đà 10 và Liên danh tư vấn đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Theo Hà Thanh Oai

thanhhien

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên