MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: 14 quận, huyện đang lún nhanh

23-09-2010 - 11:51 AM | Bất động sản

Quá trình đô thị hóa kéo theo nhiều diện tích mặt đất bị bê tông hóa, mở rộng san lấp kênh rạch làm lượng nước ngầm sụt giảm...

Ngày 22-9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã nghe báo cáo về dự án quan trắc lún mặt đất trên địa bàn TP. Kết quả nghiên cứu ban đầu do Trung tâm Địa tin học thuộc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện cho thấy một số khu vực của TP bị lún nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Tốc độ lún ngày càng tăng

TP.HCM đã phát hiện hiện tượng lún từ năm 2003. Cụ thể là các sự cố sụp, lún đất ở huyện Hóc Môn làm ảnh hưởng đến 42 hộ gia đình; vụ sập nhiều hố sâu 2 m với diện tích ảnh hưởng lên đến 4 ha ở quận 9. Quận Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè cũng có hiện tượng nhiều trụ giếng khoan khai thác nước ngầm bị trồi lên trong khi mặt đất hạ thấp xuống (gọi là trồi ống chống).

Tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) có ống chống bị trồi đến 30 cm trong khoảng 2-3 năm. Theo nhận định ban đầu của một số nhà khoa học, quá trình rút nước ngầm sẽ tháo khô các lớp tầng chứa nước, làm hình thành các lỗ rỗng khiến mặt đất bị sụp và trồi ống chống lên.

Theo yêu cầu của UBND TP, Sở TN&MT được giao nhiệm vụ lập dự án đánh giá, phân tích lún cho toàn TP bằng kỹ thuật PS Insar vi phân (sử dụng ảnh vệ tinh). Qua việc sử dụng ảnh vệ tinh từ tháng 10-1992 đến tháng 3-2010 của Nhật Bản, châu Âu, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong các năm 1996, 1997 ở TP đã xảy ra lún với mức độ không lớn. Nhưng sau thời gian này, mức độ lún tăng dần và nhiều nơi tăng rất nhanh kể từ năm 2004.

Hiện nay nhiều khu vực đã bị lún trung bình 20-30 cm, đặc biệt có nơi bị lún đến 50 cm do ảnh hưởng của việc thi công xây dựng công trình. Nhiều xã, phường trên địa bàn 14 quận, huyện (các quận 6, 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) có tốc độ lún nhanh (7-10 mm/năm); 67 phường, xã thuộc 17 quận, huyện có tốc độ lún khá nhanh (trên 10 mm/năm).

Đặc biệt, ở một số khu vực thuộc các quận nội thành (6, 8), ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) và vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh (thuộc các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức) có tốc độ lún đáng báo động, ở mức trên 15 mm/năm.

Phát hiện lún sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề lớn

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học, cho hay diễn biến lún thời gian qua có mối liên quan với tốc độ phát triển đô thị. Thời điểm nhiều khu vực trên địa bàn TP lún nhanh trùng với thời điểm tốc độ phát triển đô thị ở TP tăng mạnh. Trong đó, hai mốc quan trọng là việc lập thêm năm quận mới ở TP (năm 1997) và việc phát triển đô thị, các khu công nghiệp trên địa bàn (năm 1998).

“Quá trình đô thị hóa kéo theo nhiều diện tích mặt đất bị bê tông hóa, mở rộng san lấp kênh rạch làm lượng nước ngầm sụt giảm, trong khi nhu cầu khai thác nước ngầm lại tăng mạnh là một những nguyên nhân gây ra hiện tượng biến dạng mặt đất” - ông Trung lý giải.

Theo ông Trung, việc xác định nguyên nhân biến dạng mặt đất ở các TP lớn như TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi qua đó sẽ xác định các tầng chứa nước ngầm đang bị khai thác quá mức và dựa vào đó các cơ quan quản lý đề ra giải pháp kiểm soát việc khai thác nước ngầm hiệu quả.

Một vấn đề nữa là trong thiết kế của các công trình chống ngập thời gian qua chưa tính đến độ cao của mặt đất bị lún nên các giải pháp chống ngập (nâng cấp, lắp mới cống thoát nước, hệ thống van ngăn triều...) chưa thật sự có hiệu quả. Do vậy, việc phát hiện hiện tượng lún cùng kết quả lún còn có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết thoát nước, chống ngập - một vấn đề thời sự lớn của TP.

Theo Minh Phong
Pháp luật TP.HCM

thanhhuong

Trở lên trên