MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM sẽ tăng chế tài siết chặt việc công bố thông tin quy hoạch

09-12-2015 - 10:13 AM | Bất động sản

Đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp lần thứ 20 Hội đồng nhân dân Tp.HCM khóa VIII, đang diễn ra tại Tp.HCM. Trong thời gian tới, thành phố phải có những quy định chế tài để làm sao các thông tin quy hoạch, đầu tư dự án đến được với người dân.

Tóm tắt

Hiện việc công khai quy hoạch tại Tp.HCMC chưa sâu, người dân khó nắm bắt được thông tin quy hoạch đã được phản ánh nhiều lần nhưng tới nay nhiều địa phương chưa chấn chỉnh, chưa thực sự công khai đến người dân. 

Nhiều đại biểu HĐND Tp.HCM kiến nghị chính quyền cần có biện pháp chế tài mạnh tay hơn để xử lý những chủ đầu tư, ngay cả chính quyền địa phương không thực hiện đúng các quy định về công bố thông tin quy hoạch.


Theo báo cáo của UBND TPHCM, đến nay trong số 283 đồ án quy hoạch đã có 210 đồ án được phê duyệt. Hiện còn 19 dự án chưa được đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng 2014 đã quy định chi tiết về hình thức, nội dung, trách nhiệm công bố công khai về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Theo đó, nội dung công bố công khai gồm: Các nội dung cơ bản của đồ án, quy định quản lý theo đồ án, thiết kế đô thị đã được ban hành; đồ án quy hoạch xây dựng được.

Các thông tin này được công bố công khai theo nhiều hình thức: Trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng; tổ chức hội nghị với sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức liên quan, đại diện cộng đồng dân cư, cơ quan thông tấn, báo chí; trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục tại nơi công cộng, UBND phường xã, cơ quan quản lý quy hoạch các cấp…

Để việc công bố công khai được hiệu quả, UBND thành phố đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố đôn đốc kiểm tra việc thực hiện công bố công khai quy hoạch theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian qua những quy định này chưa được các cấp có thẩm quyền thực hiện một cách nghiêm túc. Từ đó dẫn đến việc thường xuyên xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và chủ đầu tư. Một đại biểu cũng chỉ ra rằng: "Do thiếu quy hoạch, người dân luôn đi hỏi đại biểu. Sau đấy đại biểu đi hỏi cơ quan chức năng thì cũng được chỉ qua chỉ lại".

Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề quy hoạch cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng phòng Dân nguyện HĐND Tp.HCM cho rằng, trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ở địa bàn nào người dân cũng “kêu” về quy hoạch, cụ thể là không nắm rõ thông tin quy hoạch đến đâu, chừng nào xóa “treo”. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều ở hầu hết địa bàn các quận, huyện. Nhiều khu vực công bố quy hoạch nhưng thực tế người dân phản ánh chưa hợp lý nhưng không thấy điều chỉnh.

Hay việc công khai quy hoạch chưa sâu, khó nắm bắt được thông tin quy hoạch đã được phản ánh nhiều lần trong các kỳ họp nhưng tới nay nhiều địa phương chưa chấn chỉnh, chưa thực sự công khai đến người dân. Người dân cần biết quy hoạch nhà mình là quy hoạch gì, lộ giới bao nhiêu, công bố điều chỉnh hàng năm ra sao… không biết hỏi ai…

Một số ý kiến cũng phản ánh rằng hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều dự án đầu tư lớn, nhưng chủ đầu tư hay cả chính quyền sở tại cũng không quan tâm đến việc công bố mọi thông tin quy hoạch. Điển hình như một dự án đầu tư khu du lịch lớn tại quận 9, việc người dân liên tục khiếu nại, khiếu kiện cũng bắt nguồn từ nguyên nhân không nắm bắt kịp các thông tin quy hoạch, thông tin về đền bù giải tỏa và tái định cư. Khi người dân gửi đơn đến các cơ quan chính quyền thì các bên liên quan mới “xì” ra những thông tin cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Trần Minh Chiến, giám đốc một công ty vật liệu xây dựng tại Thủ Đức, cho biết gia đình ông có khu đất rộng gần 1.000m2, tiền thân là nơi sản xuất gạch và các loại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau khi dự án Khu di tích đền Hùng được xây dựng, khu đất này buộc phải trả lại cho nhà nước mà gia đình ông không được giải thích nó có thuộc diện quy hoạch hay không.

“Nhiều người dân hoàn toàn không rõ rằng chính phần đất mà mình đang sinh sống hang chục năm trời thuộc diện bị giải tỏa trắng để trả đất làm dự án”, một đại biểu cho biết.

Do vậy, đại biểu Bình cho rằng công tác quy hoạch được cho là một trong vấn đề bức xúc nhất của cử tri hiện nay. Năm 2016 và những năm tiếp theo, thành phố cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM, cho biết, trong thời gian tới cơ quan này sẽ triển khai công bố quy hoạch đến tận tổ dân phố, đồng thời sử dụng mạng thông tin để phổ biến quy hoạch đến người dân trên toàn địa bàn thành phố (hiện đã thực hiện tại các quận 1, 4 và 10). Khi đó, vấn đề thông tin quy hoạch và công khai dự án đầu tư trên các khu vực quy hoạch người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa trình UBND Tp.HCM danh mục các dự án cần đất để triển khai trong năm 2016 với tổng diện tích đất cần thu hồi khoảng 3.300ha. Theo đó có tổng cộng 491 dự án cần thu hồi đất với diện tích gần 3.300ha. Trong số này có 298 dự án chuyển tiếp của năm 2015 sang với tổng diện tích gần 1.360ha và 198 dự án đăng ký mới với diện tích 1.932ha. Trong số lượng dự án cần thu hồi năm 2016 có cả dự án chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ.

Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hộ gia đình và cá nhân tại 9 quận huyện lên đến khoảng 1.800ha. Trong đó, huyện Hóc Môn có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng nhiều nhất với gần 510ha, kế đến là Cần Giờ 401ha, Củ Chi 172ha, Nhà Bè 50ha, quận 9 khoảng 100ha, Bình Tân 45ha…

 

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên