MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Tồn kho BĐS đều thuộc phân khúc cao cấp

15-11-2015 - 23:55 PM | Bất động sản

Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế một hội thảo về thực trạng thị trường BĐS trên địa bàn Tp.HCM mới đây. Theo đó, trong số 14.400 căn hộ tồn kho từ năm 2012 đến nay, căn hộ cao cấp có diện tích lớn chiếm đến gần 80% tổng số tồn kho.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho biết trong 10 năm qua (2006-2015), thị trường BĐS thành phố đã đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế chung của cả thành phố. Năm 2006, tổng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng, BĐS đạt 25.669 tỷ đồng (12% trong cơ cấu nền kinh tế thành phố), đến năm 2014 con số này đạt 89.460 tỷ đồng (chiếm 17,4%).

Ngoài ra, năm 2006 diện tích bình quân trên đầu người chỉ có 10,3m2/người thì đến năm 2015 đã đạt 17,3m2/người. Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực BĐS thời điểm năm 2006 chỉ có 2.600 doanh nghiệp, đến nay đã “nhảy” đến con số 4.700 doanh nghiệp có nhiều năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án nhà ở quy mô lớn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Xây dựng thành phố cũng nhấn mạnh rằng thị trường BĐS hiện đang tồn tại nhiều yếu kém, thiếu ổn định, khi nóng sốt, khi đóng băng, cung – cầu chưa phù hợp với nhu cầu thị trường… Đa số hàng tồn kho từ năm 2012 đến nay, đều thuộc phân khúc nhà ở cao cấp có diện tích lớn.

Còn theo TS. Phạm Thái Sơn – Đại học Việt – Đức,  hiện toàn thành phố có trên 41% trong số 1.219 dự án đã được hoàn thành, 33% đang được thực hiện thủ tục đầu tư, 19% đang thi công và 8% dự án đang ngưng thi công. Tuy nhiên, 40% dự án đã hoàn thành có quy mô nhỏ hơn, chỉ đóng góp 25% tổng số căn hộ và 16% diện tích sàn được dự kiến được phát triển từ các dự án nhà ở.

Một doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM nhận xét thêm rằng hầu hết các chủ đầu tư đều lý giải quyết định khởi động dự án vào thời điểm này là để đón đầu thị trường bất động sản hồi phục trong 5 năm tới. Mặc dù phân khúc căn hộ cao cấp đang được cảnh báo là dư thừa nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tham gia mạnh vào phân khúc này là bởi vì, trước hết là do lợi nhuận vẫn lớn, nhu cầu mua để ở hoặc cho thuê lại đang rất cao.

Thật vậy, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE Việt Nam, dù từ nay đến cuối năm 2015 nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc cao cấp khá lớn. Mức giá bán có tăng nhẹ theo xu hướng thị trường và tỷ lệ tiêu thụ vẫn khá cao trong những tháng tới nên chưa đáng lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng “bội thực” nguồn cung cao cấp như trước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng, để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ mang tính bền vững, các giải pháp của thành phố cần phải hướng đến tất cả các thành phần dân cư, kể cả người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, chứ không thể quá “ưu ái” một đối tượng dân cư nào đó có điều kiện.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên