MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 16/2, hết thời môi giới nhà đất lộng hành

15-02-2016 - 15:22 PM | Bất động sản

Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ ngày 16/2, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS phải do đơn vị doanh nghiệp lập ra, có đăng ký.

Đây được xem là động thái mạnh tay siết lại tình trạng hỗn loạn sàn giao dịch, nhân viên môi giới BĐS trong thời gian qua.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS.

Theo đó, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: Tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới BĐS; giải quyết tình huống trên thực tế.

Đối với thí sinh có chứng chỉ môi giới BĐS do nước ngoài cấp còn hiệu lực và trường hợp xin cấp lại chứng chỉ do chứng chỉ cũ hết hạn thì chỉ phải thi phần kiến thức cơ sở, không phải thi phần kiến thức chuyên môn. Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù; tốt nghiệp từ THPT trở lên; đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi và kinh phí dự thi cho đơn vị tổ chức kỳ thi theo quy định.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch BĐS phải thành lập doanh nghiệp; sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Sàn giao dịch BĐS phải có diện tích tối thiểu là 50m2 - và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Theo một chuyên gia BĐS, nghề môi giới BĐS đã hình thành khá lâu và xuất phát từ nhu cầu kết nối giữa bên mua, hiện nay chúng ta đưa ra quy định người hành nghề môi giới BĐS phải có bằng đại học, nay chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT, rồi đến các loại chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, khi quy định này thời gian qua đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng có chứng chỉ hành nghề hay không, không quan trọng bởi theo quy luật của thị trường có cầu ắt có cung, song vấn đề quan trọng chính là cá nhân đó phải làm việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật cũng như tôn trọng đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể tồn tại và được xã hội chấp nhận.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình trước UBTVQH vào tháng 7/2014 về dự thảo Luật Kinh doanh BĐS cũng cho rằng, thế giới quản lý môi giới BĐS rất chặt, không có chuyện môi giới “ăn” hai đầu (cả của người bán và người mua) như ở ta. “Chúng ta mong muốn quản lý tốt môi giới nhưng hiện nay chưa làm được. Với quy định của dự luật, chúng ta sẽ siết lại, để ai đủ điều kiện thì tiếp tục môi giới và loại bỏ những đối tượng không phù hợp”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

"Hiện nay, một công ty môi giới BĐS có đến cả nghìn nhân viên. Mục tiêu cuối cùng là làm sao bán được nhà, đạt doanh thu đề ra. Việc bắt buộc có chứng chỉ hành nghề rất khó để các cơ quan chức năng kiểm soát, bởi "cò" đất không ngồi yên một chỗ để bán buôn mà họ có thể rao bán nhà qua mạng. Đối với khách hàng, họ có đủ khôn ngoan để tìm hiểu thông tin dự án nào cần để mua, chắc sẽ không quan tâm đên việc này", Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, cho biết.

Còn ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, Phó Tổng Thư ký Hội các nhà môi giới BĐS Việt Nam thì cho rằng thời gian qua môi giới nhà đất đã hoạt động quá "bát nháo", lộn xộn và thiếu sự kiểm soát. Quy định này ra đời cũng hợp thời để chấn chỉnh lại các hoạt động liên quan của đội ngũ môi giới trên thị trường. Từ đó tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động môi giới bất động sản, từng bước hoàn thiện cơ cấu thị trường.

Ông Thanh nói thêm: "Chúng ta phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ, tránh triệt để tình trạng làm ăn chụp giật như thời gian trước. Trước đây, do một số doanh nghiệp địa ốc thiếu sự quan tâm đến đội ngũ nhân viên môi giới của mình, tuyển nhân viên không có chất lượng một cách ồ ạt, từ đó sinh ra việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng chung đến thị trường. Quy định này cần sớm thực hiện để làm lành mạnh hóa thị trường BĐS".

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên