MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu trời ngày càng "chật chội", ngành hàng không Việt chịu áp lực kép sau thời tăng trưởng nóng 2 chữ số

01-10-2019 - 13:59 PM | Doanh nghiệp

Nhìn chung, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã tăng trưởng chậm trở lại trong nửa đầu 2019 khi lượng hành khách chuyên chở và số lượng chuyến bay đều tăng trưởng ở mức thấp so với mức tăng 2 con số của giai đoạn 2013-2018.

Từ cuối năm 2018 đến nay, ngành hàng không liên tục ghi nhận nhiều tân binh mới gia nhập, điểm lại có Bamboo Airways chính thức cất cánh hồi tháng 1/2019 hay Vietravel Airlines, Vinpearl Air, Thiên Minh Airlines cũng đang xúc tiến các thủ tục xin cấp phép khiến cho bầu trời Việt Nam càng thêm chật chội.

Sôi động là vậy, song thực tế mức tăng trưởng của ngành thời gian gần đây đang cho thấy sự suy giảm rõ rệt, thậm chí giới phân tích nhận định khó khăn sẽ còn kéo dài.

Theo số liệu từ Cục Hàng không, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thực hiện tổng cộng 153.559 chuyến bay, chỉ tăng trưởng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 38,5 triệu khách, với sản lượng khách quốc tế và khách nội địa đạt lần lượt 20,2 triệu và 18,3 triệu lượt khách, tương ứng mức tăng trưởng 12,5% và 6,2%.

Nhìn chung, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã tăng trưởng chậm trở lại trong nửa đầu 2019 khi lượng hành khách chuyên chở và số lượng chuyến bay đều tăng trưởng ở mức thấp so với mức tăng 2 con số của giai đoạn 2013-2018, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra nhận định trong báo cáo ngành mới công bố.

Đơn vị này còn cho rằng ngành vận tải hàng không sẽ tiếp tục đối diện với đà giảm tốc trong thời gian sắp tới, được ví von "gió ngược chiều" bắt đầu xuất hiện, bởi 2 yếu tố chính:

(1) Lượng hành khách quốc tế suy giảm trong khi đó khách di chuyển nội địa cũng dần bão hòa;

(2) Cơ sở hạ tầng thiếu sự phát triển đồng bộ kìm hãm tiềm năng của toàn ngành.

Ngoài ra, ngành hàng không cũng dần trở nên chật chội khi các hãng hàng không mới tham gia vào thị trường – điều này có thể sẽ khiến cho miếng bánh thị phần của các ông lớn hiện tại sẽ bị suy giảm trong thời gian tới.

Lượng khách từ Trung Quốc sụt giảm 3% nửa đầu năm

Chi tiết, áp lực giảm tốc toàn ngành đã bắt đầu xuất hiện khi lượng hành khách quốc tế tới Việt Nam suy giảm, đặc biệt từ Trung Quốc, trong lúc con số nội địa dần bước vào thời kỳ bão hòa.

Bầu trời ngày càng chật chội, ngành hàng không Việt chịu áp lực kép sau thời tăng trưởng nóng 2 chữ số - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Du lịch, PHS tổng hợp.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8,4 triệu lượt, riêng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không ghi nhận mức tăng chậm hơn chỉ với 4,8%. Nếu so sánh con số tăng trưởng nửa đầu năm ngoái là 27% sản lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 22,2% sản lượng khách di chuyển bằng đường hàng không, dễ nhận thấy ngành đang đối mặt áp lực giảm tốc sau giai đoạn tăng trưởng nóng trước đó.

Trong đó, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần phân nửa tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Việc lượng khách Trung Quốc sụt giảm gần 3% nửa đầu năm qua theo đó ít nhiều đã ảnh hưởng tới ngành du lịch nói chung và ngành vận tải hàng không nói riêng; mặc dù đã được bù trừ một phần bởi sự tăng trưởng từ thị trường Hàn Quốc.

Được biết, ngành du lịch của các quốc gia khu vực Đông Nam Á đều chịu phụ thuộc lớn vào lượng khách tới từ Trung Quốc nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và nền văn hóa có nét tương đồng với quốc gia tỷ dân này. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu sức ép có thể đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành du lịch và hàng không ở nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tính theo khu vực, lượng hành khách quốc tế tới Việt Nam phần lớn là khách châu Á với khoảng 7,6 triệu lượt khách, tương ứng với 77% thị phần. Xếp sau đó là châu Âu với 1,2 triệu lượt khách (chiếm 13%), châu Mỹ (chiếm 6%), châu Úc (chiếm 1%)…. Nhìn chung, lượng khách tới từ thị trường chính là châu Á đã tăng trưởng chậm lại, cụ thể là lượng khách quốc tế tới từ Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng do chạy quá công suất

Một vấn đề khác được chú ý thời gian gần đây, cơ sở hạ tầng của ngành hàng không chưa phát triển phù hợp với tốc độ của ngành đang rào cản lớn. Khi mà, 2 cảng hàng không quốc tế quan trọng là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đã tiếp nhận lượt khách vượt quá công suất thiết kế trong các năm gần đây; với lượng hành khách tiếp nhận năm 2018 lần lượt là 38,5 triệu và 26,1 triệu khách, vượt xa công suất thiết kế là 28 triệu và 25 triệu khách/năm.

Bầu trời ngày càng chật chội, ngành hàng không Việt chịu áp lực kép sau thời tăng trưởng nóng 2 chữ số - Ảnh 2.

Nguồn: PHFM tổng hợp.

Hệ quả, cơ sở vật chất các cảng đã xuống cấp trầm trọng, đường băng cất hạ cánh xuất hiện dấu hiệu hư hỏng nặng... Đơn cử, đường băng cất hạ cánh 25R/07L và 1B đều xuất hiện các vết nứt hư hỏng do 2 đường băng này đều phải tiếp nhận số lượt cất hạ cánh vượt xa công suất thiết kế.

Trong tương lai gần, việc lượng hành khách tiếp tục gia tăng trong khi công suất của 2 cảng hàng không quan trọng nhất không thể gia tăng, đồng thời hạ tầng đường bộ kết nối các cảng hàng không lân cận kém phát triển vẫn là bài toán khiến cho ngành hàng không đau đầu tìm cách giải quyết, PHS nhấn mạnh.

Do đó, việc đóng cửa các đường băng này để sửa chữa/nâng cấp ít nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Đất chật người đông, năm 2023 Việt Nam sẽ có 8 hãng với 380 đội tàu bay

Chưa kể, xu hướng các hãng hàng không mới đua nhau chen chân vào thị trường vận tải hàng không cũng như kế hoạch mở rộng quy mô của các hãng hàng không hiện hành càng khiến cho bài toán hạ tầng thêm nan giải. Theo ước tính tổng số lượng tàu bay của ngành hàng không có thể đạt 380 chiếc vào năm 2023 - 2025 sẽ khiến bài toán hạ tầng càng thêm áp lực.

Bầu trời ngày càng chật chội, ngành hàng không Việt chịu áp lực kép sau thời tăng trưởng nóng 2 chữ số - Ảnh 3.

Nguồn: PHFM tổng hợp.

Trong quá khứ, thị trường hàng không duy trì tốc độ tăng trưởng kép gần 20% đã giúp cho việc gia nhập của VJC hết sức thuận lợi khi vừa có thể hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng nóng cũng như tham gia thị trường ngách giá rẻ nhằm phá vỡ thế độc quyền của HVN.

Tuy nhiên, trong vòng gần 1 năm trở lại đây, ngành vận tải hàng không liên tục chào đón sự xuất hiện của một số gương mặt mới khiến cho thị trường hàng không ngày cảng trở nên chật chội trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu tăng trưởng chậm trở lại.

Theo giới phân tích, sự góp mặt của tân binh Bamboo Airways từ đầu năm đã dần có sự ảnh hưởng tới miếng bánh thị phần của cả 2 hãng hàng không này. Chỉ sau vài tháng, Bamboo đã có được hơn 4% thị phần và tham vọng chiếm tới 30% trong thời gian tới.

Chưa dừng lại, dự báo sớm nhất là vào năm 2020, các hãng mới theo kế hoạch đi vào khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay đến năm 2023.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên