MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bến xe tiền tỷ chỉ để hợp thức cho xe dù

18-11-2017 - 09:32 AM | Xã hội

Đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhưng các bến xe huyện hoành tráng luôn trong cảnh ế khách, dường như chỉ còn mỗi chức năng để xe vào làm... lệnh.

Đầu tư nhiều tỷ đồng bằng ngân sách hoặc từ nguồn huy động khác để xây dựng các bến xe huyện hoành tráng, với kỳ vọng phục vụ nhu cầu đi lại liên tỉnh ngày càng tăng của người dân TT-Huế ngay tại các vùng nằm xa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, nhiều bến liên tỉnh ở huyện luôn trong cảnh ế khách, dường như chỉ còn mỗi chức năng để xe vào làm... lệnh.

Tháng 1/2016, Bến xe khách liên tỉnh Quảng Điền (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế) đi vào hoạt động. Bến đạt quy chuẩn loại 3, tổng diện tích 5.000m2, do Công ty CP Bến xe Huế quản lý, khai thác. Bến từng được Công ty TNHHNN MTV Quản lý Bến xe TT-Huế đầu tư xây dựng 5 tỷ đồng. Sau khi công ty này cổ phần hóa, bến được giao lại cho UBND huyện Quảng Điền quản lý. Sau đó, Công ty CP Bến xe Huế trúng đấu giá thuê trong 3 năm đối với bến huyện này.

Với hạ tầng “hoành tráng”, Bến liên tỉnh Quảng Điền được kỳ vọng nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân các vùng quê xa trung tâm Huế, tạo thuận lợi về kinh doanh vận tải cho các doanh nghiệp. Vậy nhưng, từ đó đến nay, Bến xe Quảng Điền luôn trong cảnh “hụt” khách, hoạt động ế ẩm, dù nhu cầu đi lại của dân luôn tăng.

Mới đây, khi PV vào Bến xe Quảng Điền tìm hiểu tình hình, nơi đây chỉ có mỗi ông Lê Phước Dũng, Phó giám đốc bến, làm việc. Thời điểm 9 giờ sáng, ông Dũng vừa là “sếp”, đồng thời kiêm luôn “vai” người trông coi bến, vì xung quanh không còn ai. Được biết, nơi đây có 7 cán bộ, nhân viên, bến hoạt động “cao điểm” vào sáng sớm và buổi trưa. Bến có 7 đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh đăng ký hoạt động, chủ yếu đến để “làm lệnh” xuất bến. Bến vắng được giải thích là do hành khách đã được nhà xe “tận tình” đón rước tại nhà, hoặc đón trung chuyển.

Tương tự, Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) thuộc HTX Vận tải ô tô Phú Lộc cũng luôn trong cảnh vắng vẻ, ế ẩm. Bến được đầu tư xây mới chưa lâu, rộng trên 3.000m2, với sân đỗ gần 1.000m2. Tại bến có đặt các biển thông tin về hoạt động tuyến liên tỉnh đi TPHCM, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Min, Hà Tĩnh, Vinh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… rất hoành tráng. Luồng tuyến phong phú là vậy, nhưng hầu như xe khách chỉ dừng đỗ ngoài cổng để tài xế vào làm “thủ tục” khi có nhu cầu, sau khi đã vét đầy khách tại các xã ven biển như Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Giang...

Bến ế do “xe dù hợp pháp”?

Từ bến xe phía nam Huế thuộc Công ty CP Bến xe Huế, phóng viên “bám đuôi” một xe khách mang BKS 47B-01856 của nhà xe Bình Hường. Đầu giờ chiều, xe khách Bình Hường vào bến này “làm lệnh”, sau đó ra Quốc lộ 1 di chuyển hướng Huế - Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đến ngã ba đường tránh Huế thuộc xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), xe Bình Hường rẽ trái vào Tỉnh lộ 18. Từ đây, xe Bình Hường thực hiện lộ trình quần thảo “vét khách” qua các xã, thị trấn như Phú Đa, Vinh Thanh, Vinh Xuân, Phú Diên… Sau khi “no” khách, xe theo Tỉnh lộ 18 trở ra Quốc lộ 1, rồi đi hướng vào Đà Nẵng. Quá trình vét khách của nhà xe Bình Hường không hề gặp bất kỳ sự kiểm tra, xử lý, nhắc nhở nào của lực lượng chức năng. Đây là một trong hàng loạt xe khách được cấp lệnh xuất bến hợp pháp ở thành phố, nhưng sau đó vét khách “lấn tuyến” ra nhiều địa bàn bàn tại TT-Huế.

Ông Trương Văn Nhẫn, Giám đốc HTX Vận tải Ô tô Phú Lộc, cho biết, việc các xe khách không vào Bến Vinh Hưng đã gây mất an toàn giao thông do tranh khách bên ngoài, ảnh hưởng các nhà xe làm ăn chân chính. Thậm chí, có một số nhà xe còn “cắt” luôn tuyến đăng ký hợp pháp để chạy “chui” bên ngoài, chồng lấn tuyến của nhà xe khác.

Đại diện các bến liên tỉnh các huyện Phú Lộc, Quảng Điền đều cho biết đã nhiều lần kiến nghị đến Phòng Quản lý Vận tải, Thanh tra Sở GTVT, CSGT… để xử lý dứt điểm vấn nạn xe dù, xe lậu, xe lấn tuyến, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Theo Ngọc Văn

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên