MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn của những phiên đấu giá nghệ thuật tỷ đô

28-08-2016 - 10:48 AM | Tài chính quốc tế

Theo cơ quan phát triển và nghiên cứu thị trường nghệ thuật, giá trị các tác phẩm nghệ thuật đại chúng Mỹ đã tăng gấp 9 lần so với tốc độ tăng trưởng của S&P trong 10 năm qua.

Vừa qua, tờ The Economist thống kê khoản lợi nhuận mà các hoạ sĩ thu được từ việc bán đấu giá các tác phẩm của mình còn hơn cả đầu tư chứng khoán. Theo trang artprice.com, kể từ năm 2006 Warhol là 1 trong 10 nghệ sĩ thu về trên 1 tỷ USD từ việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật của ông. Theo cơ quan phát triển và nghiên cứu thị trường nghệ thuật, giá trị các tác phẩm nghệ thuật đại chúng Mỹ đã tăng gấp 9 lần so với tốc độ tăng trưởng của S&P trong 10 năm qua.

Với mức lợi nhuận siêu khủng như vậy, nhiều người đã quay sang chọn nghệ thuật là kênh đầu tư chính của mình, thay vì "bạc mặt" trên thị trường với những con số xanh đỏ nhấp nháy kém nghệ thuật. Đó cũng là lý do năm 2013 - thời điểm mà thị trường chứng khoán Mỹ đang gặp khó khăn và khủng hoảng nợ công ở hồi căng thẳng, các cuộc đấu giá vẫn diễn ra với tổng giá trị 594,6 triệu USD cho 10 tác phẩm đắt giá nhất. Thị trường nghệ thuật còn trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn của giới siêu giàu giữa bối cảnh tài chính bất ổn.

Điều gì khiến nghệ thuật lợi nhuận gấp chục lần chứng khoán?

Để biết thị trường bất động sản đang gặp bong bóng, người ta có thể nghiên cứu và so sánh nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có mức thu nhập trung bình của mỗi gia đình trong một vùng và giá cho thuê tương ứng. Nếu giá nhà tăng vọt trên mức hợp lý thì rất có thể thị trường đang ở tình trạng bong bóng.

Tuy nhiên, cơ sở để quyết định mức giá "bình thường" của một tác phẩm nghệ thuật luôn tồn tại như một làn khói vô định. Trong một bài viết của nghệ sĩ Andrea Franser có tên "L’1%, C’Est Moi", cô thuật lại nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học từng bỏ công đi tìm lời đáp cho câu hỏi này. Họ phát hiện ra rằng nếu mức thu nhập của giới nhà giàu chóp bu – vốn chiếm 0,1% dân số thế giới – tăng 1%, nó sẽ kích cho giá các tác phẩm nghệ thuật tăng khoảng 14%.

Như vậy, tiền của tầng lớp giàu sụ đang lèo lái giá cả của thị trường nghệ thuật chứ không phải bản chất của những tác phẩm nghệ thuật. Điều này cũng ngụ ý rằng những “cơn sốt nghệ thuật” sẽ xảy ra khi độ chênh lệch về thu nhập tăng mạnh.

Có lẽ, khi nhìn thấy một người giàu có bỏ hẳn một gia tài để mua một tác phẩm nghệ thuật, chắc hẳn sẽ có không ít người đặt câu hỏi họ mua những tác phẩm nghệ thuật đó về để làm gì? Phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày chắc chắn không. Nhưng nếu nói là giải trí thì với những người giàu có - họ bận rộn với cả trăm công nghìn việc thì có thể dành thời gian thưởng thức nghệ thuật được mấy chốc?

Tuy nhiên, nó cho phép họ mua chỗ đứng trong giới thượng lưu "cấp quốc tế" và khiến họ trông quyến rũ hơn nữa trong mắt công chúng và trong mắt chính mình. Trên phương diện đầu tư, nghệ thuật là một trò đánh bạc của những người siêu giàu, giúp của cải tiếp tục sinh sôi.

Anh Sa

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên