MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị áp thuế cao, xuất khẩu tôn màu vào Indonesia có lo mất thị trường?

16-06-2018 - 17:14 PM | Thị trường

Việc Indonesia chính thức xác định sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% và khả năng sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) được đánh giá sẽ gây khó khăn đáng kể tới xuất khẩu, tuy nhiên chưa tới mức lo ngại mất thị trường.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA): Thị trường khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia chiếm tới 60% lượng xuất khẩu của ngành thép Việt. Đặc biệt, với xuất khẩu thép cán nguội, tôn mạ, Việt Nam đang là nước có năng lực sản xuất mạnh nhất khu vực Đông Nam Á với công nghệ, trình độ ở đẳng cấp cao.

Với riêng thị trường Indonesia, xuất khẩu tôn màu của Việt Nam khá nhiều. Indonesia có nhu cầu lớn, doanh nghiệp thép tại đây không thể đáp ứng được toàn bộ thị trường.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho biết thêm: Trong vụ việc Indonesia công bố tôn màu Việt Nam bán phá giá nêu trên, VSA đã làm việc với các doanh nghiệp.

Thực tế, mức đánh thuế mà Indonesia nêu ra có thể sẽ khiến cho việc cạnh tranh xuất khẩu khó khăn hơn trong tương lai. Tuy nhiên, do nhu cầu tôn mạ của thị trường này còn lớn nên khả năng mất thị trường không đáng lo.

“Mổ xẻ” sâu hơn về nguyên nhân khiến tôn Việt xuất khẩu vào Indonesia bị đánh thuế cao, ông Dũng cho rằng, có thể là bởi phía Indonesia nghi ngại sản phẩm tôn màu Việt nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc để sản xuất.

Thực tế, với vụ việc này, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước thông qua động thái mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, Hoa Kỳ cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á... Tuy nhiên, bản chất của vấn đề là các doanh nghiệp trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Trước đây, doanh nghiệp làm thép cán, làm tôn mạ, các mặt hàng nguyên liệu như thép cán nóng, phôi cán nóng được nhập khẩu từ Trung Quốc khá nhiều. Thời gian tới, ngành thép phải làm sao tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào ngay trong nước, cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế”, ông Dũng khuyến cáo.

Trước đó, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 7/6, Cục này đã nhận được thông tin Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã công bố kết luận cuối cùng (tiếng Indonesia) trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam (Mã HS: 7210.70.10.00, 7212.40.10.00, và 7212.40.20.00).
Theo đó, Indonesia xác định sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Indonesia. Căn cứ kết luận này, KPPI kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôn màu của Việt Nam trong khoảng thời gian là 5 năm. Trước đó, ngày 23/12/2016, KADI đã khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm liên quan nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Thanh Nguyễn

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên