MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV chính thức công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam

11-11-2019 - 19:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Thương vụ bán vốn có giá trị lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với KEB Hana Bank đã đưa BIDV vươn lên là ngân hàng có vốn điều lệ lớn hệ thống.

Tối 11/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) chính thức tổ chức buổi lễ công bố cổ đông chiến lược KEB Hana Bank.

Thông tin tại buổi lễ cho biết, mùa Xuân năm 2017 hai bên đã có cuộc gặp đầu tiên tại Seoul Hàn Quốc, sau đó ký thoả thuận hợp tác vào tháng 4/2017 và tháng 8/2017 ký thoả thuận không ràng buộc làm cơ sở cho việc đàm phán sau này.

Tới 21/2/2019 NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Ngày 31/10/2019 NHNN chấp thuận việc KEB Hana Bank mua 15% cổ phần BIDV.

Ngày 01/11, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước công bố thông tin KEB Hana đầu tư 1.000 tỷ won để sở hữu 15% vốn của BIDV, đây là thương vụ lớn nhất trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam từ trước tới nay.

Từ sự hợp tác này, KEB Hana Bank sẽ hỗ trợ BIDV trên 6 lĩnh vực là quản trị chiến lược, nâng cao quản trị rủi ro, đa dạng hoá các tài sản sinh lời, phát triển ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, và nâng cao phát triển nguồn nhân lực...

Theo ông Phan Đức Tú, chủ tịch BIDV, đây là giao dịch có lợi ích kép: KEB sở hữu 15% cổ phần, thời gian sở hữu tối thiểu 5 năm, trong khi BIDV nhận được hỗ trợ từ ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc trong 6 lĩnh vực.

Hợp tác chiến lược còn có ý nghĩa lớn hơn là giúp nâng cao mối quan hệ thương mại giữa hai nước, phù hợp với đường lối chủ trương của Chính phủ Việt Nam và chính sách của Hàn Quốc.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc KEB Hana Bank cho biết, đây là thương vụ lớn nhất của một ngân hàng Hàn Quốc vào ngành ngân hàng Việt Nam, là thương vụ đầu tiên mua cổ phần trong ngành ngân hàng Hàn Quốc với một ngân hàng Việt Nam, bên cạnh việc các ngân hàng Hàn Quốc đang nỗ lực đầu tư mở chi nhánh, ngân hàng 100% vốn và văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Ông tin rằng thương vụ sẽ giúp quan hệ hợp tác hai bên ngày càng mở rộng. Với nguồn lực sẵn có của một ngân hàng lớn nhất Việt Nam và một ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc, hai bên có thể hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực như thẻ, chứng khoán, giao lưu tín dụng... và đặc biệt là Fintech.

"Bản thân chúng tôi từ 2 năm trước cũng có những lo lắng về việc hình dung ra con số 1.000 tỷ won không biết có làm được không, nhưng sau đó dần dần từng bước thì đã làm được" – Tổng giám đốc KEB Hana chia sẻ.

Cũng theo đại diện đối tác chiến lược của BIDV, KEB Hana nhận định việc hợp tác với BIDV là cơ hội ngàn năm có một và sẽ không bỏ lỡ cơ hội, tới đây hai bên sẽ tiến rộng ra các nước và khu vực, đặc biệt là tiểu vùng sông MeKong. KEB Hana đồng thời hi vọng có thể dốc sức toàn lực để đóng góp vào sự phát triển ngành ngân hàng cũng như kinh tế xã hội Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết thương vụ này là lớn nhất trong ngành tài chính Việt Nam, cũng là hợp tác lớn nhất của một tổ chức tài chính nước ngoài vào ngành ngân hàng trong nước. "Việc đầu tư này cho thấy đối tác nước ngoài đánh giá rất cao môi trường hoạt động, chính sách của NHNN và Chính phủ Việt Nam cũng như triển vọng lạc quan vào ngành tài chính ngân hàng Việt Nam thời gian tới" - bà Hồng phát biểu.

Sau hơn 2 năm làm việc giữa hai bên và được sự chấp thuận của Nhà nước, BIDV đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc.

Tổng số tiền thu về từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 20.295 tỷ đồng (với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu). Sau khi trừ chi phí phát hành, BIDV thu ròng hơn 20.208 tỷ đồng.

Việc phát hành cổ phiếu nói trên đã đưa KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% vốn của BIDV, đồng thời giúp ngân hàng tăng thêm 6.033 tỷ đồng vốn điều lệ, từ mức 34.187 tỷ lên 40.220 tỷ đồng - trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Sau khi phát hành cho KEB Hana, vốn nhà nước tại BIDV vẫn còn rất cao so với quy định của Nhà nước, bởi vậy nhà băng này hoàn toàn có thể tìm kiếm thêm một hoặc một số đối tác nữa để trở thành cổ đông chiến lược.

Trong một phân tích mới đây, các nhà phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt cũng lưu ý với nhà đầu tư rằng, BIDV vẫn đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành thêm 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của chính phủ xuống 65% sau 6 tháng kể từ thời điểm phát hành cho KEB Hana, và rằng, "với nguồn tiền mới từ KEB Hana, BIDV sẽ có những thay đổi tích cực về các yếu tố cơ bản cũng như triển vọng tăng trưởng trong những năm tới".



Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên