MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV, VietinBank và Vietcombank trích lập thiếu dự phòng và phân loại nợ chưa phù hợp

27-08-2016 - 09:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Kiểm toán đề án cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011- 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, hệ thống TCTD nói chung đã từng bước được lành mạnh hóa, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu.

Kiểm toán đề án cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011- 2015 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2014, các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động; 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi.

Song hoạt động của các tổ chức tài chính ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý.

Tính đến 31/12/2014, tổng nợ xấu toàn hệ thống TCTD là 145,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,25% tổng dư nợ, giảm 0,36% so với năm 2013.

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh (tại 31/12/2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013).

Việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) nhưng việc xử lý của VAMC vẫn chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Bên cạnh đó, các TCTD phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ. Cụ thể, VietinBank trích lập dự phòng thiếu 20,5 tỷ đồng; BIDV thiếu 36,5 tỷ đồng; Vietcombank thiếu 41,3 tỷ đồng. Các nhóm nợ của 3 ngân hàng này cũng được Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh lại.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn (số dư tiền gửi có kỳ hạn bình quân năm 2014 tại các TCTD là 13.226 tỷ đồng), làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn

Công ty Chứng khoán MHB (MHBS) vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi, kinh doanh thua lỗ không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới công bố, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5-2016. Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước).

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên